V-League vẫn đáng xem

Tròn 20 năm, V-League đang là một phiên bản gần như không khác gì HA.GL năm 2003. CAHN vừa thăng hạng và có cơ hội đoạt chức vô địch quốc gia. Điều thú vị là đội CAHN trước đây dù có một thời lừng lẫy nhưng chưa từng vô địch quốc gia.

Cách mà CAHN đạt được sức mạnh cũng được xây dựng hoàn toàn trên việc mua cầu thủ giỏi từ khắp nơi. Nếu HA.GL năm 2003 dựa trên bộ khung các tuyển thủ Thái Lan, thì CAHN dựa vào đội tuyển Việt Nam khi sở hữu đến 6 tuyển thủ. HA.GL có HLV Kiatisak làm biểu tượng chiến thắng, thì CAHN đang chờ đợi điều tương tự ở chân sút Quang Hải.

Sự kết hợp giữa CAHN và Quang Hải có thể gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một đằng làm bóng đá theo kiểu thâu tóm ngôi sao, một đằng thì từ Pháp về để đến với đội vừa thăng hạng, nơi chưa có gì ngoài tham vọng. Nhưng nếu nhìn ở chiều sâu V-League, thì sẽ nhìn thấy ý nghĩa tích cực cho V-League. Giải đấu này đã phát triển 20 năm nhưng có dấu hiệu chững lại về mọi mặt, đặc biệt là tham gia ngày một ít của các nguồn lực xã hội. Nhưng nếu đi vào chi tiết, từ chuyện đầu tư cho VAR, có bản quyền truyền hình được cụ thể bằng hiện kim rõ ràng, tăng số lượng ngoại binh phù hợp theo tiêu chuẩn AFC, sắp đến còn sẽ thi đấu “vắt” sang 2 năm theo thông lệ quốc tế, thì có thể nói V-League đang cố gắng thay đổi diện mạo qua từng mùa bóng.

Việc đầu tư mạnh ở CAHN, một đội bóng vừa thăng hạng, là điều cho thấy V-League vẫn có những giá trị hấp dẫn các nhà đầu tư chứ chẳng phải là mất đi tính hấp dẫn như chúng ta hay lo ngại. Cần thấy rằng CLB Hà Nội đang khiến giải đấu này trở nên nhàm chán, mất tính cạnh tranh trong thập niên qua. Ngay cả thời điểm hiện nay, dù không có thành tích tốt khi thiếu 2 ngôi sao Văn Quyết, Quang Hải nhưng CLB Hà Nội vẫn cứ là ứng cử viên.

Thế nên, sự xuất hiện của CAHN hay các nhà đầu tư mới tại Nam Định, T.Bình Định đã làm cho giải đấu vừa hấp dẫn, vừa có tính chất mời gọi một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp. Ý nghĩa hơn, điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, có sức ì, nên ít hay nhiều cũng tạo ra xung lực, khởi sắc cho đời sống kinh tế xã hội.

Nhớ lại 20 năm trước, nếu không có những đầu tư mới mẻ, khác biệt từ khu vực tư nhân của HA.GL hay ĐT.LA thì liệu V-League có phát triển để rồi có thêm những CLB như Bình Dương hay CLB Hà Nội không? Thế nên, trong bối cảnh mà V-League đang nỗ lực thay đổi hình ảnh và chất lượng, thì giải đấu này cần thêm sự ủng hộ, đóng góp, đặc biệt từ người yêu bóng đá.

Tin cùng chuyên mục