Nói đến tác động của Covid-19, phải tính từ mùa trước, vì hệ quả là mùa giải 2021 bị hủy giữa chừng. Kéo theo đó, Than Quảng Ninh xóa phiên hiệu khiến V-League 2022 chỉ còn lại 13 CLB. Điều này dẫn đến việc sẽ có 1 CLB nghỉ thi đấu ở mỗi vòng đấu. Đây là một trong những điều tối kỵ của thể thức đá League, nhưng chẳng còn cách nào khác.
Từ chỗ chuẩn bị xuống hạng, SLNA đã “lột xác” nhờ sự xuất hiện của ông chủ mới cùng sự trở về của hàng loạt cầu thủ xứ Nghệ vốn đang là trụ cột ở các đội bóng khác. Câu chuyện tương tự diễn ra ở Bình Định, đội bóng tân binh nhờ có thêm thời gian đã vụt biến thành một trong ứng cử viên sau khi chiêu mộ người giỏi từ nơi khác.
So với mùa 2021, số lượng các đội có thể xuống hạng đã “mất” đi 3, cũng có nghĩa là áp lực đang dồn lên các đội bóng như Nam Định, Hải Phòng, Hà Tĩnh vốn không có nhiều thay đổi so với năm trước.
Trước mắt, đội nào có số lượng cầu thủ nhiều thì tạm thời an tâm hơn so với các đội đang phải chạy đôn chạy đáo mua người. V-League 2022 cho phép mỗi đội đăng ký đến 35 cầu thủ, nhưng theo danh sách đăng ký thì có những đội như SHB Đà Nẵng sử dụng “kịch khung” với 35 người trong khi danh sách của Hà Tĩnh chỉ có 25 người. Điều này phản ánh đúng nội lực của 2 đội bóng, một bên có lò đào tạo tốt còn bên kia chỉ mới lần đầu đá V-League cách đây 2 năm. Ngay như HA.GL cũng chỉ đăng ký tối đa 31 người, Hà Nội được 32, trong khi Thanh Hóa chỉ có 29. Đây cũng là lý do mà tân binh Bình Định tranh thủ “đi chợ” một cách ồ ạt. Tính đến nay, họ đã đưa về sân Quy Nhơn 13 cái tên mới so với mùa giải trước và đăng ký thi đấu 32 người.
Cũng liên quan đến Covid-19, thách thức lớn hơn đang nằm ở những nhà tổ chức, cụ thể là vấn đề trọng tài. Ở đợt kiểm tra cách đây ít ngày, trong số 20 trọng tài chính và 31 trợ lý, có 4 người không hoàn thành bài thi. Số lượng trọng tài đủ điều kiện điều hành như vậy là không nhiều trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc thù của trọng tài là làm việc theo từng tổ, nên nếu một người mắc Covid-19 gần như phải thay cả tổ.