V-League 2015 - Đánh chuột sợ vỡ bình

1 suất hay…?

Gần nửa tháng trước ngày lăn bóng, điều lệ chính thức của V-League 2015 vẫn chưa được công bố. Có một tò mò ở suất lên - xuống hạng mùa tới, bởi nó liên quan trực tiếp đến việc hoạch định mùa giải 2016.

1 suất hay…?

Hé lộ từ VPF cho hay, có đến 99,99% V-League 2015 lẫn giải hạng Nhất 2015 chỉ có 1 suất rớt hạng trực tiếp. Trong khi đó, giải hạng Nhì dành 3 suất thăng hạng để qua đó, tạo sự ổn định cho giải hạng Nhất từ mùa 2016 với con số 10 đội tranh tài. Nếu mọi việc bằng phẳng, V-League 2016 tiếp tục có 14 đội, giải hạng Nhất 2016 có 10 đội so giày.

Thật ra việc chỉ có 1 suất rớt hạng trực tiếp ở V-League 2015 cũng tạo cho BTC V-League có những thuận lợi nhất định. Bởi trong mùa giải kéo dài đằng đẵng hơn 8 tháng, chỉ có 1 suất rớt hạng chắc chắn giúp bầu không khí giải đấu bớt nghiệt ngã, căng thẳng. Điều đó giúp BTC V-League giảm tải những nguy cơ xấu có thể xảy ra, một khi 2/3 đội bóng ở V-League phải chạy đua chống rớt hạng.

Vấn đề hài hước nằm ở chỗ: sự điều chỉnh của VPF về suất lên - xuống hạng còn 1 vé về hạng Nhất chỉ xảy đến sau khi Đồng Tháp thoát hiểm phút chót. Còn trước đó, nếu Đồng Tháp không dự V-League 2015, V-League 2015 sẽ có… 2 suất rớt hạng trực tiếp. Con số này là biện pháp điều chỉnh, nhằm rút gọn V-League còn 12 đội từ mùa bóng 2016.

Đồng Tháp thoát hiểm ở phút cuối giúp V-League 2015 chỉ còn 1 suất xuống hạng. Ảnh: Dương Thu

Nghịch lý cho V-League là càng nhiều đội tranh tài thì càng… ít đội phải rớt hạng. Tình cảnh ấy chẳng khác gì màn tiếu lâm, vì lẽ ra có đông đội bóng tranh tài, càng cần tạo ra sân chơi có tính chất quyết liệt, căng thẳng hơn. Đằng này V-League 2015 lại được hoạch định theo hướng ngược lại, co gọn còn 1 suất rớt hạng trực tiếp. Nên nhớ rằng, trong 14 đội dự V-League 2015, “bói” mãi cũng chỉ có được 2-3 đội bóng thực sự hào hứng với mục tiêu cạnh tranh ngôi vô địch. Số còn lại chủ yếu tập trung cho mục tiêu trụ hạng an toàn.

Nghèo nàn hóa V-League

Theo hoạch định, nếu mọi mùa giải 2015 trọn vẹn, không có thêm đội bóng nào bỏ cuộc hay xóa sổ, V-League 2016 có 14 đội, giải hạng Nhất nâng thêm 2 đội thành 10 đội tranh tài. Trong khi đó, cách đây không lâu, chính VPF nhận định rằng, con số 14 ở V-League là hơi… thừa thãi. Nó không tương xứng với chất lượng V-League, đặc biệt là tạo ra sự mất cân bằng. Bởi nền tảng là giải hạng Nhất lại chỉ có 8 (mùa 2015) và 10 đội (mùa 2016), một khi không xảy ra điều gì bất thường.

Phương án giảm chỉ còn 1 đội phải rớt hạng tại V-League 2015 đương nhiên là nghịch lý so với những gì đã nhận định và tuyên bố từ VPF, thậm chí chính BCH VFF từng thông qua phương án giảm số lượng đội ở V-League. Tuy nhiên, nếu duy trì được con số 14 đội bóng, quy mô V-League vẫn có vẻ hào nhoáng nguyên vẹn. Đi kèm với con số này là giá trị gói tài trợ, bởi với số lượng trận đấu nhiều và mật độ được truyền hình trực tiếp tăng, điều đó vẫn kích thích các nhà tài trợ nhảy vào.

Điều lo ngại nằm ở chỗ, quy mô “bề thế” của V-League có vẻ không tương xứng với chất lượng thật sự của nền bóng đá. Hơn thế nữa, việc hạn chế suất rớt hạng đến mức tối thiếu chắc chắn làm cho V-League nghèo nàn hơn về sự kịch tính, bởi rất nhiều đội bóng an phận trụ hạng để chờ thời. Đó là chưa kể nguy cơ có đội bỏ giải giữa chừng, có thể khiến BTC V-League thêm một lần phải điều chỉnh. Quan trọng nhất, việc cải thiện nền bóng đá Việt Nam rốt cục chỉ là lời hô khẩu hiệu thật to, trong khi chính các nhà quản lý lại không đủ dũng cảm để đưa ra biện pháp mạnh.

Thanh Chi

Tin cùng chuyên mục