Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ trích “bộ mặt thảm bại” của tuyển Pháp tại World Cup 2010. Trong khi đó, Chủ tịch LFP Frederic Thiriez cho rằng cách thức bầu cử hiện nay ở LĐBĐ Pháp (FFF) là không dân chủ…
Các tuyển thủ Pháp, Bộ trưởng Thể thao Pháp… đã nói rất nhiều về thất bại cũng như cuộc khủng hoảng nội bộ của Les Bleus tại Nam Phi. Hôm thứ Hai, người Pháp có dịp theo dõi những phát biểu của chính Tổng thống Nicolas Sarkozy trên kênh truyền hình quốc gia France 2. Điều đầu tiên ông Sarkozy muốn nhấn mạnh, đó là “hình ảnh thảm bại” của tuyển Pháp tại World Cup 2010. Thậm chí, ông khẳng định chính ông yêu cầu những người “có trách nhiệm” từ chức. Ông Sarkozy nói: “Bộ mặt mà tuyển Pháp thể hiện ở Nam Phi… thảm bại. Tôi từng nói: những người có trách nhiệm phải ra đi. Họ đã ra đi. Chúng ta không nên vùi dập họ. Các cầu thủ không được nhận tiền thưởng. Và họ đã không nhận tiền thưởng”.
Ngoài ra, khi được hỏi tại sao đồng ý gặp gỡ tiền đạo Thierry Henry ngay khi cầu thủ này trở về vào ngày 24-6, đúng vào ngày các Nghiệp đoàn lao động biểu tình phản đối việc cải cách chính sách nghỉ hưu của Chính phủ, Tổng thống Sarkozy đáp: “Cùng với Thủ tướng, chúng tôi yêu cầu Bộ Thể thao tổ chức các Hiệp hội bóng đá để những ai muốn tái thiết thì có thể tái thiết. Vả lại, việc làm này đặt ra những thách thức cho cách điều hành của các Liên đoàn thể thao. Những việc làm tình nguyện rất có ích và cần được khuyến khích.
Nhưng liệu việc làm này có hoàn toàn phù hợp với các Liên đoàn vốn chỉ quan tâm đến các quyền lợi kinh tế mạnh mẽ như thế? Còn tại sao tôi gặp Thierry Henry ư? Cậu ấy có 124 lần khoác áo tuyển Pháp và rất xứng đáng. Cậu ấy là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho tuyển Pháp. Đó là điều quan trọng”. Thêm vào đó, ông Sarkozy khẳng định rằng chính Thierry Henry yêu cầu được diện kiến ông.
o0o
Chủ tịch LĐBĐ Pháp (FFF) Jean-Pierre Escalettes đã từ chức sau thất bại của tuyển Pháp và khẳng định rằng ông ra đi vì “xấu hổ đã mang đến hình ảnh thảm bại cho nước Pháp”. Chiếc ghế Chủ tịch FFF hiện vẫn còn để trống và báo chí Pháp cho rằng đó là sự bất lực của Ban chấp hành FFF.
Song, trong cuộc phỏng vấn trên tờ Le Figaro số ra ngày hôm qua (13-7), Chủ tịch Giải bóng đá chuyên nghiệp Pháp (LFP) Frederic Thiriez cho rằng cách thức bầu cử hiện nay ở FFF “không dân chủ”. Ông yêu cầu một hệ thống bầu cử mới. Ông nói: “Phương thức bầu cử hiện nay không dân chủ. Do đó, tôi ủng hộ việc bầu cử trực tiếp Chủ tịch FFF dựa trên nền tảng, hoặc là 20.000 CLB Pháp, hoặc 2 triệu người có giấy phép hành nghề ở một độ tuổi tối thiểu”.
Nhiều lần, ông Thiriez yêu cầu Ban chấp hành FFF từ chức tập thể sau thất bại của tuyển Pháp. Nhưng nếu yêu cầu này không được đáp ứng, ông đề nghị công tác quản lý của FFF phải được giám sát chặt chẽ hơn. Ông nói tiếp: “Chúng ta không thể điều hành với 25 thành viên. Thế nên, tôi ủng hộ việc quản lý có sự giám sát chặt chẽ theo từng bộ phận. Cơ cấu điều hành mới có thể bao gồm 4 thành viên (2 đại diện của FFF, một đại diện của LFP và Giám đốc kỹ thuật quốc gia), trong khi Ban chấp hành Liên đoàn có thể trở thành Ban giám sát bao gồm 1/3 đại diện các VĐV thể thao đỉnh cao, 1/3 đại diện lãnh đạo các Liên đoàn nghiệp dư và 1/3 đại diện lãnh đạo Liên đoàn chuyên nghiệp”.
Nói thế, nhưng ông Thiriez khẳng định ông không có “ý định áp đặt quyền lực của LFP lên FFF” và cũng không ra “ứng cử” chức Chủ tịch FFF tạm thời vào ngày 23-7 tới, mặc dù hiện tại, ông và Chủ tịch Liên đoàn nghiệp dư Duchaussoy đang điều hành tạm thời FFF.
CÔNG ĐẠM tổng hợp