Giải Cầu mây năng khiếu và vô địch trẻ TPHCM 2024 có sự tham gia của hơn 500 VĐV đến từ 11 đơn vị quận, huyện TPHCM. Các tuyển thủ tranh tài ở những nội dung: đôi nam/nữ, đội tuyển 3 nam/nữ, đội tuyển 4 nam/nữ, đội tuyển 4 hỗn hợp. Điểm nổi bật tại giải năm nay đó là ban tổ chức lần đầu đưa nội dung đội tuyển 4 hỗn hợp (2 nam, 2 nữ) vào chương trình thi đấu. Đây được xem là sự cập nhật kịp thời, tiếp cận khuôn khổ hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế.
Trước sự cập nhật và đổi mới trong khâu tổ chức của giải thành phố, HLV Hồ Việt Cường (Trưởng bộ môn cầu mây quận 7) hào hứng chia sẻ: "Qua mỗi năm, hệ thống giải đấu ngày càng hoàn thiện hơn trong các khâu tổ chức, từ đó thu hút nhiều sự quan tâm tham gia của các đơn vị, thúc đẩy và mở rộng phong trào tập luyện bộ môn cầu mây nhiều hơn. Các đơn vị tranh tài tại giải lần này có sự đầu tư về lực lượng và tiến bộ rất nhiều về chuyên môn, tính cạnh tranh tại giải được nâng cao".
Trong nhiều năm qua, TPHCM là một trong những địa phương trên cả nước có phong trào cầu mây phát triển với hệ thống giải đấu đa dạng, từ cấp độ học sinh, năng khiếu trẻ đến giải vô địch. Trong đó, giải cầu mây năng khiếu - vô địch trẻ được tổ chức thường niên góp phần tạo nên sức hút cho phong trào thể thao tại TPHCM. Phong trào luyện tập cầu mây TPHCM phát triển khá mạnh với nhiều đơn vị nổi bật như quận 5, 6, 7, 8, Gò Vấp ...
TPHCM cũng là đơn vị tiên phong trên cả nước đưa nội dung thi đấu lứa tuổi tiểu học vào hệ thống các giải cầu mây, giúp các chuyên gia có thể tuyển chọn những gương mặt tài năng từ sớm, đào tạo nâng cao nhằm chuẩn bị lực lượng VĐV cho các tuyến đội tuyển thành phố. Theo HLV Hồ Việt Cường, cầu mây là bộ môn đòi hỏi yếu tố về ngoại hình, lực chân, sự khéo léo, dẻo dai. Các HLV ở đơn vị quận, huyện thường đến các trường tiểu học để tìm kiếm "ngọc thô" về đào tạo. Ngoài sự nhanh nhẹn, linh hoạt chuyển động cơ thể, các em cần có khả năng quan sát tình huống và phải thực sự đam mê với bộ môn.