Bắn súng sẽ đạt được suất chính thức tiếp theo
Cục TDTT đã tổng kết công tác năm 2023 và đặt ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 trong buổi tổng kết ngày 22-12 tại Hà Nội. Trong buổi tổng kết, Cục TDTT đã nhìn lại năm hoạt động 2023 với nhiều chương trình từ thể thao cho mọi người tới thể thao thành tích cao cũng như việc xây dựng các kế hoạch, văn bản, quy định dành cho thể thao nói chung.
Vấn đề được mọi người tập trung quan tâm vẫn là thể thao thành tích cao của Việt Nam rút được kinh nghiệm từ năm 2023 và sẽ chuẩn bị như thế nào cho năm 2024. Trong phân tích của mình, trưởng Phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) – ông Hoàng Quốc Vinh cho biết mục tiêu giành các suất tham dự đấu trường Olympic Paris (Pháp) 2024 là một trong những công tác quan trọng ở năm 2024. Trong đó, không chỉ đề ra con số chỉ tiêu phấn đấu giành từ 12 tới 15 suất chính thức mà nhà quản lý các Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) tập trung các giải pháp để nâng cao chuyên môn nhắm tới sự thành công khi thi đấu. “Khi trao đổi với ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam và chuyên gia Park Chung-gun, chuyên gia đã khẳng định với chúng tôi dự báo được khả năng thành công trong việc giành thêm suất chính thức thứ hai cho bắn súng Việt Nam tới Olympic năm 2024. Đồng thời, đội tuyển bắn súng Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương tại đấu trường này”, ông Hoàng Quốc Vinh cho biết. Hiện tại, bắn súng Việt Nam mới chỉ đạt 1 suất chính thức của xạ thủ Trịnh Thu Vinh.
Ở năm 2023, nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam đã tham dự các lượt giải đấu vô địch châu Á, vô địch thế giới hay ASIAD 19 và một số vòng loại Olympic để tìm kiếm các suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Tuy nhiên, chúng ta đã khép lại năm 2023 chỉ với 3 suất chính thức lần lượt trong môn xe đạp, bắn súng và bơi. Giải pháp mà Cục TDTT hướng tới ở năm 2024 cho mục tiêu tranh thêm suất Olympic là phải cần xác định được các nội dung, các VĐV đủ khả năng tranh chấp suất tham dự. Hiện công tác này đang yêu cầu từng bộ môn (Cục TDTT) và ban huấn luyện đội tuyển thể thao quốc gia có tham gia vòng loại Olympic phải đánh giá đúng năng lực, thực lực của VĐV Việt Nam và khả năng tranh chấp để dự báo về chuyên môn. Các đội tuyển trọng điểm điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, taekwondo, TDDC, đua thuyền, xe đạp, cầu lông, judo, bắn cung và boxing có nhiệm vụ tranh suất Olympic đã bảo về kế hoạch chuyên môn ở năm 2024 và có mục tiêu đề ra cụ thể.
Dè dặt với đấu trường Olympic 2024
Tại buổi tổng kết chuyên môn, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cũng khẳng định, ngành thể thao khá lo lắng trong việc hoàn thành được hay không mục tiêu đề ra ban đầu trong sự tham vấn của các Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) là chúng ta sẽ giành từ 15 tới 18 suất dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Khi xem xét kỹ lưỡng về thực tế con người, nguồn lực và dự báo chuyên môn, lãnh đạo ngành tin rằng mục tiêu phấn đấu giành từ 12 tới 15 suất Olympic Paris (Pháp) 2024 sẽ là phù hợp và...an toàn hơn. Nhưng chắc chắn, thể thao Việt Nam có đầu tư trọng điểm và có mục tiêu cụ thể với đấu trường này.
Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình là điều mà Cục TDTT đang nỗ lực thực hiện ở năm 2023. Việc xin khoanh nợ thuế đối với Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã được Cục TDTT trình tới Bộ VH-TT-DL. Rất hy vọng trong thời gian tới của năm 2024, Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình cởi bỏ được những khó khăn để hoạt động bình thường – Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết
Các nhóm môn chúng ta vẫn chú trọng là điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, TDDC đã và đang tìm các giải pháp ở năm 2024 như đầu tư chuyên sâu cho gương mặt trọng điểm, tiến hành tập huấn và thi đấu nhiều lượt giải vòng loại Olympic. Ngoài ra, những môn như taekwondo, judo, boxing, đấu kiếm, cầu lông, bắn cung, đua thuyền... được chờ đợi có những kết quả tốt. “Từ thực tế các nguồn lực hiện có, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong đó không chỉ quan tâm đến kinh phí thực hiện hay trang thiết bị tập luyện, thi đấu mà còn phải chú trọng đến các yếu tố về con người như đội ngũ bác sỹ, chuyên gia tâm lý, nhân viên hồi phục… cho các VĐV trọng điểm. Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả triển khai các kế hoạch thực hiện, làm cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu tại Olympic năm 2024”, ông Hoàng Quốc Vinh cho biết thêm.
Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 8 tới 10 HCV tại Đại hội thể thao châu Á và võ thuật trong nhà (AIMAG) tổ chức năm 2024 ở Thái Lan. Các môn hướng tới hiện thực cơ hội thành HCV gồm cầu mây, pencak silat, muay, taekwondo, billiards, cử tạ.
Thể thao Việt Nam đã và đang hoàn thiện Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045.