Tôi về Bến Tre vào một buổi chiều mưa tầm tã. Cơn mưa đầu hạ gợi lên trong lòng người một nỗi buồn man mác. Mảnh đất Bến Tre trong mắt tôi không tan hoang, đổ nát như lời bà tôi vẫn kể khi nhắc về cuộc chiến ác liệt nơi đây năm xưa mà đã trở thành một vùng quê trù phú với cây trái xanh tốt hai bên đường. Đi dọc trên một con đường nhựa nhỏ, tôi đến nhà người anh hùng mà tên anh đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh đấu tranh của học sinh, sinh viên chúng tôi - Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Ơn.
Vốn chỉ được biết đến anh qua sách vở, hôm nay, được đứng trên chính mảnh đất quê hương anh, được bước vào ngôi nhà sinh dưỡng anh, tôi cảm thấy thật tự hào.Tiếp đón chúng tôi bằng những viên kẹo gừng hơi cay nồng mà ấm áp. Chú Đặng Văn Tế - Bí thư Đảng ủy xã Phước Thạnh, chậm rãi kể lại quá trình xây dựng nơi tưởng niệm anh hùng Trần Văn Ơn trên chính ngôi nhà sinh trưởng anh. Bước vào nhà thờ, chú lần lượt giới thiệu cho chúng tôi những trang báo, tấm hình lịch sử về người Anh hùng Trần Văn Ơn, đặc biệt là cuộc đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt đến hy sinh cả tính mạng của anh năm 1950.
Ngoài trời mưa vẫn rơi lã chã, khiến người ta dễ buồn đau, tiếc nuối hơn khi nghĩ về sự hy sinh ở tuổi 19 của anh - cái tuổi chạm ngõ cuộc đời, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, tuổi của những hứa hẹn với tương lai. Nhưng anh đã ra đi mãi mãi ở cái tuổi 19 ấy.
Càng đi, tôi càng trăn trở về sức mạnh đã khiến anh dũng cảm đứng đầu giới sinh viên, học sinh Sài Gòn cất lên tiếng nói dõng dạc đòi độc lập, tự do cho Tổ quốc. Anh đối diện với súng đạn ác liệt của kẻ thù bằng sức lực giới hạn của một con người. Nhưng sự hy sinh của anh không hề vô nghĩa, nó như phát súng lệnh khai hoả cho một cuộc đấu tranh quyết liệt của giới học sinh, sinh viên từ đó về sau. Nhìn dòng người kéo dài chật ních trong đám tang của anh qua những bức hình, tôi hiểu rằng, sức mạnh trong anh không phải là sức mạnh giới hạn của một con người mà đó là nguồn sức mạnh vô hạn từ lòng yêu nước. Vũ bão và quyết liệt, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đã dẫn đường cho người thanh niên ấy làm nên lịch sử của cuộc đời mình, cũng chính là lịch sử của đất nước.
Chúng tôi may mắn được gặp người chị dâu thứ 8 của Anh hùng Trần Văn Ơn. Qua lời chia sẻ tình cảm của bà, tôi đau đáu hoài những câu nói của bà về thế hệ trẻ chúng tôi. Tổ quốc của tôi, mảnh đất nhỏ bé hình chữ S đã phải quặn mình đấu tranh thế nào để có được nền độc lập như ngày nay. Cái giá ấy không hề rẻ nếu không nói là quá đắt bởi nó được trả bằng xương máu, bằng tương lai, bằng cả cuộc đời. Mà cuộc đời lại là thứ chỉ đến với con người duy nhất một lần. Vì thế, chúng tôi - học sinh, sinh viên của nền hoà bình phải sống xứng đáng với những sự hy sinh ấy, sống bằng hết tâm huyết, sức trẻ cho sự phát triển phồn vinh, hưng thịnh của Tổ quốc.
Tôi chia tay ngôi nhà ấy khi chiều tàn đã gom lại chút ánh sáng cuối cùng trong ngày. Bước về rồi mà tôi cứ vấn vương ngoái đầu lại. Tôi lại chậm rãi đạp xe trên đường ra, hai bên đường vẫn là những vườn cây xanh trái. Bỗng trong tôi ngân nga một câu hát về tuổi trẻ và trách nhiệm với Tổ quốc: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Quỳnh Trang