Từ việc các VĐV cầu lông TPHCM gửi đơn xin nghỉ đồng loạt - Những câu hỏi không lời đáp!

Lạm quyền?
Từ việc các VĐV cầu lông TPHCM gửi đơn xin nghỉ đồng loạt - Những câu hỏi không lời đáp!

Thêm một lần nữa, ngành thể thao TPHCM lại phải đau đầu khi các VĐV kỳ cựu của bộ môn cầu lông làm đơn đồng loạt xin nghỉ, và thể thao thành phố lại một phen rúng động. Theo tìm hiểu của SGGP Thể Thao, những bức xúc của VĐV đối với trưởng bộ môn cầu lông TPHCM tập trung vào các vấn đề sau.

Lạm quyền?

Chiều qua 19-7, theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận và sự phân công của Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Nguyễn Thành Rum, ông Nguyễn Hùng (Phó giám đốc Sở) sẽ chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc 6 VĐV cầu lông đồng loạt ký đơn xin nghỉ tập luyện và thi đấu cho TPHCM. Trong tuần này, ông Nguyễn Hùng sẽ họp với các bên liên quan để tìm hiểu sự việc.


T.A

Tháng 7-2009, tay vợt Tiến Minh giới thiệu VĐV Văn Tuấn Kiệt tập huấn với ông Asep Suharno  tại Singapore (lúc ấy đang là HLV đội tuyển nam của đảo quốc này). Khi Kiệt điện thoại cho trưởng bộ môn để xin phép, vị này trả lời: “Tôi không thích cho em đi, em làm gì tôi” (!?). Dù vậy, Kiệt vẫn làm đơn gửi trường Nghiệp vụ TDTT và Liên đoàn Cầu lông TPHCM báo cáo việc anh muốn tập huấn tự túc ở Singapore từ ngày 10-8 đến 10-9 để được bộ môn giải quyết thủ tục.

Đến ngày 11-8, đại diện bộ môn (ông Kiều Khuyên) mới nói với Kiệt là thời hạn bắt đầu chuyến tập huấn đã trễ, cần làm lại đơn khác để dời ngày tập huấn, khiến kế hoạch của Kiệt bị gãy đổ.

Ngày 20-3-2010, hai tay vợt Phạm Cao Hiếu và Dương Bảo Đức đã ký hợp đồng tài trợ cá nhân với một đơn vị khác, không phải Yonex (nhà tài trợ của đội tuyển cầu lông TPHCM nhiều năm nay).

Bảo Đức cho biết: “Trước khi ký, chúng tôi đã năm lần bảy lượt hỏi ý anh Dũng, nhưng anh ấy cứ cười cười, hoặc nhìn chỗ khác chứ không trả lời là chúng tôi có được làm điều này hay không. Sau đó, tại giải cầu lông quốc tế ở Hà Nội vào tháng 4-2010, anh Dũng là trưởng đoàn TPHCM, thấy chúng tôi mặc trang phục của nhà tài trợ mới này mà cũng không có ý kiến gì. Tuy nhiên, đến tháng 6-2010, khi tôi có tên trong đôi nam nữ đạt tiêu chuẩn tham dự giải VĐTG, anh Dũng lại vịn vào chuyện tôi tự ý ký hợp đồng tài trợ cá nhân để buộc tôi tự túc kinh phí đi thi đấu giải này. Cuối cùng, Thái Thị Hồng Gấm phải xin chú Lợi (PCT Liên đoàn Cầu lông TPHCM) tài trợ chi phí cho tôi”.

Thiếu công bằng?

Tay vợt hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh cũng ký tên trong lá đơn xin nghỉ tập luyện và thi đấu cho cầu lông TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tay vợt hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh cũng ký tên trong lá đơn xin nghỉ tập luyện và thi đấu cho cầu lông TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Những tay vợt như Huỳnh Mỹ Lan, Lâm Huỳnh Ngọc Uyên bê trễ tập luyện ở tuyến dự tuyển, nên bị chuyên gia Asep Surharno đánh giá là vô kỷ luật và đề nghị cho nghỉ, nhưng trưởng bộ môn lại chuyển họ qua tập luyện buổi tối với… vợ mình (HLV Nguyễn Thị Phương Thảo).

Huỳnh Vinh là VĐV trẻ được đưa lên tuyến dự tuyển từ năm 2009 đến nay, nhưng thành tích tốt nhất từng có của Vinh là HCĐ đơn nam giải trẻ 2009. Ở đội dự tuyển, Huỳnh Vinh vô kỷ luật, và chưa cải thiện gì sau thời hạn 3 tháng thử thách do chuyên gia đặt ra.

Tại vòng loại châu Á cúp Thomas và Uber, tháng 3-2010, Huỳnh Vinh lại thoái thác trách nhiệm thi đấu, như bà Huỳnh Ngọc Liên từng nêu: “Theo đội hình, Vinh đảm nhận trận đơn thứ ba, nhưng trước lúc thi đấu, vừa vào sân tập, Vinh đã kêu đau chân để được tập nhẹ hơn. Vì lẽ đó, tôi và ông Asep quyết định đưa tay vợt chuyên đôi Dương Bảo Đức đánh đơn thế chỗ Vinh”.

Bởi thế, các phụ huynh và VĐV đều không khỏi thắc mắc sự ưu ái của trưởng bộ môn đối với chị em VĐV Huỳnh Mỹ Lan và Huỳnh Vinh, trong khi một số gương mặt khác lại bị bỏ quên, đơn cử: đang là VĐV tuyến dự tuyển, đầu năm 2010, Văn Tuấn Kiệt bị loại khỏi tuyến này mà không được thông báo lý do. Đầu tháng 2-2010, khi chuyên gia Asep bắt đầu huấn luyện đội TPHCM, Kiệt được ông Asep cho tập luyện trở lại, nhưng đến tháng 4-2010, bộ môn mới giải quyết cho Kiệt hưởng chế độ tuyến dự tuyển, nhưng không được truy lãnh 2 tháng đã tập luyện trước đó.

Thiếu minh bạch?

Tài chính không rõ ràng là điều VĐV thắc mắc nhiều nhất. Dương Bảo Đức, Huỳnh Trí Thịnh tham gia chương trình Thế hệ vàng cuối năm 2005, khi tập huấn dài hạn ở nước ngoài phải tự ứng tiền để lo thủ tục visa, nhưng sau đó không được thanh toán và cũng không có lời giải thích nào từ trưởng bộ môn.

Theo Đức, ở giải trẻ châu Á năm 2005, VĐV còn phải ứng trước tiền phòng 56 USD/ngày/người, cuối cùng cũng không được thanh toán, dù có hóa đơn. Ngoài ra, có VĐV từng đoạt HCV đôi nam tại giải trẻ toàn quốc năm 2005, và 2 HCV đơn nam, đôi nam tại giải thiếu niên-nhi đồng toàn quốc năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền thưởng theo quy định của UBND TPHCM.

Sau khi bà Huỳnh Ngọc Liên không tham gia BCH Liên đoàn Cầu lông TPHCM, việc cấp phát tài trợ của Yonex cho VĐV dự tuyển và tuyển trẻ do trưởng bộ môn thực hiện, nhưng không công khai, ví dụ: VĐV chỉ được ký nhận vào bảng trừ tiền lưu kho, hoặc tiền đóng thuế, chứ không như trước đây là cho VĐV ký vào danh sách ghi rõ số lượng từng loại thiết bị, trang phục VĐV được tài trợ. Chưa kể, trang phục, giày, vợt có kiểu dáng lỗi thời từ 2-3 năm trước và không phù hợp với tập luyện, thi đấu đỉnh cao, cũng như số lượng bị cắt giảm (2 đôi vớ thay vì 6 đôi).

Cuối cùng, một điều khiến các VĐV không gần gũi và chia sẻ được với trưởng bộ môn là họ bị bỏ bê về điều kiện tập luyện. Buổi đầu đến TPHCM làm việc, ông Asep Suharno gửi văn bản đến trưởng bộ môn nêu 10 đề xuất phục vụ cho công tác huấn luyện đội tuyển cầu lông TPHCM. Sau 1 tháng không hồi âm, bà Huỳnh Ngọc Liên vì quá sốt ruột chuyện chướng mắt này đã gửi thẳng bản đề xuất của ông Asep đến PGĐ Sở VH-TT-DL TPHCM Nguyễn Hùng. Đến nay, hơn 3 tháng sau khi gửi đề xuất, mới có các nội dung được giải quyết, nhưng không phải việc gì cũng thực hiện đầy đủ, chẳng hạn: ông Asep đề nghị VĐV được tập cầu Hải Yến loại tốt nhất 150.000 đồng/lố, thay cho loại 68.000 đồng/lố, nhưng bộ môn chỉ cấp loại 78.000 đồng/lố.

o0o

SGGP Thể Thao không khẳng định ai đúng, ai sai, chỉ chuyển những câu hỏi (đã bị chìm vào hư không) của VĐV đến lãnh đạo ngành TDTT TPHCM. Nhân đây, chúng tôi nhắc lại điều kỳ lạ là từ tháng 5-2009 đến nay, bộ môn cầu lông là lực lượng duy nhất của ngành TDTT TPHCM không hề có trưởng ban chuyên môn (chức danh mới thay thế cho HLV trưởng) mà “thả nổi” cho trưởng bộ môn Trần Nguyễn Trí Dũng kiêm nhiệm, khiến những vụ việc lùm xùm và sự bức xúc của mọi người ngày càng nhiều, và dẫn đến việc các VĐV đồng loạt xin nghỉ hiện nay.

TUẤN ANH (SGGP-Thể Thao)

Tin cùng chuyên mục