Công văn xin nghỉ chơi giải hạng Nhất 2016 của Cà Mau đã được gửi đến VFF vào giữa tuần qua. Điều này đồng nghĩa, quy hoạch có 10 đội dự giải hạng Nhất 2016 đã phá sản từ trứng nước…
VPF đã từng đề xuất VFF phương án rút gọn còn 12 đội ở V-League, thậm chí điều chỉnh quyết liệt thành 10-10 giữa V-League và giải hạng Nhất. Ảnh: M.Hoàng
Chưa biết bao nhiêu đội “rụng”
Nguyên do mà Cà Mau xin rút khỏi sân chơi hạng Nhất mùa tới rất đơn giản: không lo liệu đủ kinh phí. Con số hơn 20 tỷ đồng theo quy định là quá sức với đội bóng đất mũi. Thế cho nên, dù vừa mới làm nên lịch sử bằng việc giành vé lên hạng, Cà Mau chấp nhận chia tay không kèn, không trống.
Việc Cà Mau xin nghỉ chơi đồng nghĩa với việc VFF và VPF phá sản phương án đôn số đội từ 8 lên 10 đội ở sân chơi hạng Nhất. Phía VFF và VPF đang nỗ lực tìm đội “bù” vào chỗ trống mà Cà Mau bỏ lại, trong đó Bình Định là ưu tiên hàng đầu. Đội bóng đất võ đã được ướm hỏi, nhưng đến giờ vẫn chưa có câu trả lời chính thức, bởi chính Bình Định cũng từng phải bỏ giải vì… hết tiền.
Niềm vui thăng hạng chưa dứt, Cà Mau chấp nhận chia tay không kèn, không trống. Ảnh: T.L
Điều làm đau đầu cho VPF lúc này là không kiểm soát nổi có bao nhiêu đội sẽ “rụng” trước khi mùa bóng mới khởi tranh. Trong 3 đội thăng hạng, Cà Mau đã rút lui, Tây Ninh thì ở chế độ chờ. Chỉ có Viettel là chắc chắn dự giải, bởi đội bóng này dẫu chơi hạng dưới nhưng luôn thuộc đẳng cấp “thiếu gia”. Tuy nhiên, nguy cơ đang nằm ở đội bóng vừa rớt hạng V-League là Đồng Nai. Ngay tại hội nghị tổng kết mùa giải 2016, Giám đốc điều hành Nguyễn Văn Long cũng thừa nhận, chưa biết tương lai của Đồng Nai ra sao, có nối gót An Giang- đội bóng rớt hạng mùa 2013, biến mất khỏi bản đồ bóng đá hay không.
Nói tóm lại, tương lai của giải hạng Nhất đang rất chông chênh. Việc không ổn định số lượng đội dự giải cũng ảnh hưởng đến công tác kêu gọi tài trợ. Hai mùa gần đây, VPF đành phải nhờ cậy vào nhà băng của “người nhà”- Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng gồng gánh sân chơi này.
V-League cần “cắt tỉa”
Việc khó đảm bảo kế hoạch tăng số lượng đội cho hạng Nhất cũng tác động cả đến V-League. Mùa 2015, suất lên xuống hạng chỉ là 1, khiến tính hấp dẫn, căng thẳng của V-League cũng bị ảnh hưởng. Quan trọng nhất, độ chênh về số lượng giữa V-League và giải hạng Nhất đẩy bóng đá Việt Nam rơi vào trạng thái mất cân đối khi phần ngọn thì cồng kềnh, còn chân đế thì tóp teo, ngày càng bị thu hẹp.
V-League có cần “cắt tỉa”? Thật ra VPF đã từng đề xuất VFF phương án rút gọn còn 12 đội ở V-League, thậm chí điều chỉnh quyết liệt thành 10-10 giữa V-League và giải hạng Nhất. VPF khẳng định, trong điều kiện của bóng đá Việt Nam lúc này, số lượng như vậy là phù hợp. Nhưng VFF đã thẳng tay bác đề xuất của VPF, vì cho rằng thực hiện kế hoạch trên sẽ làm hỏng phong trào, nhất là làm bóng đá Việt Nam mất giá trên trường quốc tế khi không đáp ứng chuẩn AFC.
Dẫu vậy, trong bối cảnh kế hoạch khôi phục giải hạng Nhất thất bại và bóng đá Việt Nam thảm bại ở cấp độ ĐTQG, khả năng “cắt tỉa” V-League nên được nhìn nhận một cách thực tế. Một quan chức VPF cũng thừa nhận, với bóng đá Việt Nam, chỉ cần áp dụng số lượng 10-10 đội tại V-League và hạng Nhất là hợp lý. Vì lẽ đó, không loại trừ khả năng, phương án trên sẽ lại được đặt lên bàn làm việc khi HĐQT VPF nhóm họp tại TPHCM. Tất nhiên, ngay cả khi VPF tái đề xuất, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào VFF. Đúng hơn là sự nhìn nhận để “biết mình là ai” từ chính VFF!
GIA HUY
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu