Theo điều tra, sân bóng tổ chức trận đấu đã bán đến 42.000 vé so với sức chứa 38.000 người. Trận đấu lẽ ra phải được dời sang buổi chiều nhưng lại diễn ra vào buổi tối, dù đây là cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng có yếu tố “thù địch”. Ngoài ra, ghi nhận cho thấy, lực lượng an ninh đã phản ứng không tỉnh táo dẫn đến việc mất kiểm soát và thảm kịch xảy ra.
Sự kiện bi thảm ở bóng đá Indonesia một lần nữa cảnh báo cho toàn thế giới rằng: Thảm kịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và theo những chiều hướng không thể đánh giá bằng cảm tính hay có thể bảo đảm an toàn 100%. Trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya vốn dĩ đã cấm khán giả đội khách đến sân do yếu tố “thù địch” và các đụng độ trong quá khứ, nhưng sự bi thảm vẫn xảy ra phần lớn đến từ phản ứng của người trong cuộc - đó là cơn tức giận của cổ động viên cũng như cách lực lượng an ninh phản ứng. Lịch sử bóng đá thế giới có không ít thảm kịch, đa phần đã xảy ra cách đây vài thập niên, khi các điều kiện về an toàn, giám sát an ninh không tốt như hiện tại. Vậy nhưng, như đã nói, một trong những thảm kịch tồi tệ nhất đã xảy ra mới đây, ngay trong thế kỷ 21.
Đó là một bài học quá đau đớn nhưng cũng sẽ khiến nhiều nền bóng đá phải phản tỉnh nhìn lại cung cách quản lý của mình. Đơn cử như Việt Nam. May mắn là Việt Nam chưa từng xảy ra một thảm kịch nào ở các sân bóng, nhưng những nguy cơ thì không hề nhỏ. Bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại nạn đốt pháo sáng trên khán đài, một số sân bóng vẫn sử dụng hàng rào sắt ngăn khán giả với sân bóng, tình trạng bạo lực trong thi đấu cũng như thói quen phản ứng trọng tài… Đó đều là những yếu tố gián tiếp tiềm ẩn dẫn đến những thảm kịch trong bóng đá.
Lấy ví dụ, trường hợp bắn pháo sáng từ khán đài này sang khán đài kia tại sân Hàng Đẫy cách đây 4 năm hoàn toàn có thể gây ra một sự hỗn loạn bất ngờ, dẫn đến chấn thương cho nhiều người chứ không chỉ là con số ít ỏi như đã xảy ra. Có thể công tác tổ chức trận đấu đã làm tốt, cũng có thể là hôm đó chúng ta đã may mắn, nhưng rõ ràng sự cố pháo sáng ấy không nên được xảy ra. Như đã nói, mọi thảm kịch trong bóng đá không thể lường được hết mọi hậu quả để sử dụng mọi biện pháp hay công nghệ ngăn ngừa.
Bóng đá thế giới, dù là trong thời đại bùng nổ công nghệ nghe nhìn, thì sân bóng vẫn cần có khán giả trực tiếp đến xem. Cũng vì sự phát triển của mạng xã hội, những xu hướng bạo lực trong bóng đá có thể tăng lên, cực đoan hơn, có tính tổ chức cao hơn… dẫn đến nguồn gốc bạo lực trở nên khó dự báo. An toàn sân cỏ không hề nhẹ nhàng hơn, mà ngược lại. Chính thảm kịch ở Indonesia đã nói lên tất cả.
Cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn ngay từ những “tia lửa nhỏ”, mới có thể tránh bùng phát thành “đám cháy” lớn!