“Võ vovinam đã tới 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, phủ kín 5 châu lục, nhưng chúng tôi không muốn ngừng lại mà vẫn kỳ vọng phát triển rộng rãi hơn nữa môn võ Việt Nam ra bên ngoài thế giới...”, đó là chia sẻ của thành viên Liên đoàn vovinam Việt Nam ở ngày kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái vovinam và Đại hội Liên đoàn vovinam Việt Nam (VVF) nhiệm kỳ mới ở ngày 15-4 vừa qua.
Nhìn cụ thể hơn ở khu vực Đông Nam Á, võ vovinam đã và đang có những sự quan tâm trong các quốc gia của khu vực. Chúng ta thấy thực tế điều đó tại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực là SEA Games.
SEA Games 32 tới đây tại Campuchia, thêm một lần nữa võ vovinam nằm trong chương trình thi đấu chính thức. Cách đây một năm, chúng ta là chủ nhà của SEA Games 31 và 15 bộ huy chương thi đấu chính thức ở kỳ tranh tài này (dành cho đối kháng, biểu diễn nam, nữ) đã có sự tham gia của các đội tuyển Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia, Thái Lan, Philippines cùng chủ nhà Việt Nam và cũng cho thấy bạn bè khu vực Đông Nam Á đã có sự phát triển mạnh về thành tích cao của môn võ rất đặc trưng này được khởi nguồn từ chúng ta.
Võ vovinam có mặt ở trong chương trình thi đấu chính thức ở kỳ SEA Games gần nhất trước SEA Games 31 là lần SEA Games 27 năm 2013 diễn ra ở Myanmar. Lúc đó, số quốc gia tham dự chỉ là bốn. Và ở kỳ SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia, vovinam nằm trong chương trình thi đấu chính thức cũng có bốn đội tuyển góp mặt gồm Campuchia, Indonesia, Lào và Việt Nam. Từ con số đã thấy rằng, qua một thời gian gần 10 năm, khi võ vovinam trở lại với đấu trường SEA Games, tính phổ cập đã mạnh mẽ hơn dựa vào số quốc gia đăng kí tham dự.
Giờ đây, sau SEA Games 31, SEA Games 32 tiếp tục đưa vovinam vào chương trình thi đấu chính thức. Nếu không có gì thay đổi, SEA Games 33 tại Thái Lan tiếp theo vẫn đưa vovinam vào là một trong các môn thi đấu chính thức của Đại hội thể thao Đông Nam Á.
“Võ vovinam trở lại với SEA Games 31 và 32 là cơ hội để chúng ta tiếp tục quảng bá ra khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Tại SEA Games 31, các bạn có mặt ở Việt Nam tranh tài đã ghi nhận công tác tổ chức môn vovinam của chủ nhà Việt Nam rất chuyên nghiệp, cũng như về kỹ thuật của môn võ có nhiều yếu tố chuyên môn tập luyện phát triển cả về thể lực lẫn trí lực để nhiều người làm quen hơn. Trên hết, người làm chuyên môn và môn sinh vovinam đều luôn hướng tới việc phát triển tinh thần võ Việt Nam, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, phụ trách bộ môn vovinam (Tổng cục TDTT) – ông Ngô Bá Huy từng bày tỏ.
Tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ lần thứ 4 (2023-2028) của Liên đoàn vovinam Việt Nam, một trong những mục tiêu quan trọng mà các ủy viên ban chấp hành cùng những nhà quản lý vovinam Việt Nam hướng tới chính là xây dựng Học viện vovinam toàn cầu (dự kiến Học viện được xây dựng và đặt tại TPHCM) để là nơi cho các môn sinh trên toàn thế giới tới tập luyện, tìm hiểu kỹ hơn về truyền thống hình thành phát triển của môn võ.
Chúng ta luôn muốn nhìn thấy võ Việt vovinam xuất hiện chính thức ở các kỳ SEA Games tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TUẤN ANH |
Mới nhất, trước khi SEA Games 32 khởi tranh, giải vovinam vô địch Đông Nam Á 2023 (giải tiền SEA Games) đã tổ chức vào cuối tháng 3 tại Phnom Penh (Campuchia và ở đó, giải đấu thu hút 250 võ sĩ của 7 quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Philippines, Indonesia, Myanmar và chủ nhà Campuchia tranh tài. Từ giải đấu, chủ tịch Liên đoàn vovinam Campuchia – ông Ou Ratana đã có bày tỏ đây chính là một trong những cuộc thử nghiệm quan trọng để quốc gia chủ nhà Campuchia của SEA Games 32 có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn khi SEA Games 32 chính thức khởi tranh.
Đội vovinam Việt Nam tại SEA Games 31 đã giành được 6 tấm HCV nhờ thành tích của VĐV Phạm Thị Kiều Giang, Lê Thị Hiền, Đỗ Phương Thảo, Lê Hồng Tuấn, Nguyễn Thanh Liêm, Mai Thị Kim Thùy.
Liên đoàn vovinam Việt Nam (VVF) sẽ hoàn tất hồ sơ đăng ký công nhận vovinam là Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 6 tới đây. Năm nay, giải vovinam vô địch thế giới 2023 sẽ tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11.