Câu chuyện về tay vợt Lý Hoàng Nam tưởng chừng vào ngõ cụt. Tuy vậy, sự dùng dằng hay nói đúng hơn là cái tôi của phía nhà đầu tư (Becamex) và đơn vị được trao quyền quản lý (Liên đoàn Quần vợt Việt Nam) ai cũng lớn, nhưng cuối cùng được tháo gỡ một phần nhờ có ông… Tổng cục.
Nói thật là ở đâu không biết chứ với thể thao Việt Nam cứ tắc chỗ nào nhưng có Tổng cục TDTT can thiệp hay Bộ VH-TT&DL ấn xuống kiểu gì cũng thông. Chưa hẳn vì ông Tổng, ông Bộ giỏi mà nhờ cái vòng kim cô các ông đeo lên đầu của các Liên đoàn hay phía địa phương mà các ông quản lý trong lĩnh vực của mình.
1. Thực chất thì phía Becamex có lý khi can thiệp để Lý Hoàng Nam không lên tuyển. Nguyên nhân là đơn vị này bỏ tiền, đầu tư cho Nam tập huấn, phát triển nhằm đem thành tích về cho thể thao Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Tất nhiên, VĐV này phải tuân thủ theo chế độ, quy trình huấn luyện phía đơn vị chủ quản đã lên kế hoạch từ trước đó. Trong khi đợt này, nếu gọi Nam lên tuyển cũng chỉ để tham dự Davis Cup chẳng danh tiếng gì.
Về phía Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) lại cho mình cái quyền quản lý, và dùng quyền đó để “triệu tập” VĐV đi làm nhiệm vụ, nếu không chấp hành sẽ bị kỷ luật. Tất nhiên, lý do phía VTF đưa ra không sai bởi đó là nghĩa vụ quốc gia. Thế nhưng, cái cách tổ chức này kêu gọi người tài lên tuyển qua kiểu nói “triệu tập” chẳng khác gì ra lệnh. Thậm chí, có người còn cho rằng nó tương tự như Cơ quan Điều tra triệu tập bị can, còn phía Becamex lại của đau, con xót.
Cuối cùng thì cả hai cũng chịu ngồi lại với sự chứng kiến của đại diện Tổng cục với không ít nút thắt đang dần được tháo ra, dù lối ứng xử bên phía VTF chiều ngày 11-3 vừa rồi vẫn còn như thể “ta đây”.
2. Từ chuyện của môn quần vợt nhớ lại hồi năm ngoái vụ BQL của sân Mỹ Đình hét giá thuê sân trên trời với VFF khi chuẩn bị trận đấu đội tuyển Việt Nam - Arsenal. Hồi đó cả hai cũng rất căng thẳng và dường như không ai chịu nhường ai, bởi bên nào cũng cho mình đúng. Phải đến khi Bộ VH-TT&DL đứng ra “dẹp” thì sự việc mới nhẹ đi.
Vấn đề mà nói như dân rành là cứ bóng đá Việt Nam hễ có chuyện gì cứ gọi cho cấp trên là xong hết. Cũng giống như bao nhiêu lần trước đó, hễ hục hoặc trong ngôi nhà VFF hay xung đột quyền lợi giữa VFF với đội bóng có ông Tổng xuất hiện là thông ngay.
Rõ ràng là từ chuyện Lý Hoàng Nam đến việc thuê sân Mỹ Đình sự vụ không lớn nhưng phải có “cha” can thiệp thì các “con” mới không làm loạn, bởi lối tư duy áo mặc sao qua khỏi đầu. Việc này cũng chẳng khác gì chuyện VFF hoãn tới, hoãn lui việc đi tìm ông chủ tịch nhiệm kỳ 7. Vấn đề mà giới chuyên môn thừa hiểu là phía Bộ không muốn giao hẳn tổ chức xã hội này cho người của doanh nghiệp mà cần phải có người của nhà nước ngồi vào đó như cách nắn gân VFF khỏi chạy sai làn đường.
3.Bóng đá Việt Nam hiện đang rối ren với khâu nhân sự trước nhiệm kỳ mới, do trong đó chỉ quanh quẩn những người rất cũ và các chiếc ghế cũng đang được sắp giống cầm đèn chạy trước ô tô. Một lần nữa, mong là bộ can thiệp vấn đề này, như từ trước tới giờ ở đâu có bộ là sẽ ổn thỏa.
ĐỨC DŨNG
Một “sản phẩm truyền thông”?
Khi chúng tôi hỏi mẹ của tay vợt Lý Hoàng Nam quan điểm của tay vợt này về vụ lùm xùm liên quan đến chuyện anh không dự Davis Cup thì bà Đỗ Thanh Yến nói rằng gia đình không muốn và chính Lý Hoàng Nam cũng không muốn biết thông tin để còn tập trung luyện tập.
Trong trường hợp này, chuyện Lý Hoàng Nam được quan tâm như một ngôi sao bóng đá, chẳng có gì đáng để mừng cả. Không phải như giới showbiz, sự nổi tiếng được tạo ra theo mô tuýp “sản phẩm truyền thông” không có lợi lộc gì cho VĐV cả. Đơn giản vì tài năng của họ chỉ được thể hiện bằng thành tích thi đấu. Thắng là thắng, thua là thua, chẳng thể nói khác được.
Thế nên, cũng đã có người lo cho U19 Việt Nam đang có nguy cơ biến thành một “sản phẩm truyền thông” khi các thông tin luôn tìm cách để nâng cao giá trị của họ, đẩy tầm vóc của một đội bóng trẻ thành những ngôi sao thực thụ. Xung quanh U19 là một bầu không khí hoàn hảo, đến mức mà chỉ cần một cầu thủ bị chấn thương cũng dấy lên mối lo ngại về vấn đề chiến thuật, rồi một điểm tập huấn bình thường cũng trở thành niềm vinh hạnh cao giá.
Sự thành công của U19 vẫn còn ở phía trước và sẽ được thể hiện trên sân cỏ. Không có gì thay đổi được điều đó. Có trở thành một “sản phẩm truyền thông” cao cấp thì U19 cũng vẫn chỉ là một đội bóng đang rèn luyện chờ ngày chứng tỏ năng lực chứ chưa đạt được bất kỳ điều gì to tát. Thế nên, nếu có cái gọi là “sản phẩm truyền thông” về U19 Việt Nam hẳn nó đang làm lợi cho người khác chứ không phải là các cầu thủ của chúng ta.
Việt Long