Tự làm khổ mình

Một loạt động thái bất thường vừa được ban tổ chức các giải đấu đưa ra như điều trọng tài số 1 Võ Quang Vinh xuống thổi ở hạng nhất hay các lãnh đạo VPF lẫn VFF cùng xuống sân Lạch Tray để “động viên tinh thần” đội Hải Phòng trong trận đấu với Hà Nội T&T. Có nhiều lý do để tin rằng, chính các nhà tổ chức không thể bảo đảm được sự an toàn trong các diễn biến ở 5 vòng đấu cuối mùa giải.

Căn nguyên là bởi trong bóng đá Việt Nam khái niệm “màu cờ sắc áo” rất tùy hứng. Nên khi tiền (từ doanh nghiệp) đã hết thì tình cũng chẳng còn. Cầu thủ sẵn sàng buông xuôi hoặc “làm kinh tế cá thể” chứ chưa hẳn đá vì thương hiệu của CLB. Ví dụ như đội Hải Phòng, vốn có HLV giỏi như ông Lê Thụy Hải và lực lượng không kém cỏi nhưng sau khi Tổng Công ty Xi măng tỏ ý rút lui, thành tích tuột dốc không phanh khi các nguồn tiền thưởng không đến. Một đội bóng mà chưa đá đã thua, còn gì để nói. Ngoài ra, đã có tin đồn là từ đầu lượt về, lãnh đạo đội Hải Phòng tính đến chuyện “mua” suất đá V-League của đội đang đứng đầu giải hạng nhất là Hà Nội để đá mùa sau nên mùa giải này coi như “vứt đi”.

Hoặc như đội Kiên Giang, sau khi nhà bảo trợ tài chính Kienlongbank đang trong quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng nên khó tiếp tục tài trợ, đội bóng chẳng còn động lực để trụ hạng. Thật đơn giản, cố trụ hạng, mùa sau lấy tiền đâu mà mua cầu thủ khi lực lượng tại chỗ là con số 0.

Bóng đá Việt Nam rõ ràng là tự làm khổ mình khi phát triển trên một nền tảng lung lay. Người ta trông đợi vào VPF nhưng ngay đến công ty này cũng còn vất vả kiếm tiền để trang trải hoạt động thì làm sao “giúp” các CLB. Thế nên mới có chuyện từ VFF đến VPF đang hồi hộp chẳng biết 5 vòng đấu cuối diễn biến ra sao khi khá nhiều đội bóng đã thua ngay trước khi bóng lăn vì chẳng biết đá để làm gì. 

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục