Tại báo cáo tổng kết công tác hoạt động của nhiệm kỳ 6 (2016-2020) đã cho biết “lần đầu tiên Liên đoàn bắn súng Việt Nam đã chủ động phối hợp với Nhà máy Quốc phòng Z113 nghiên cứu, sản xuất đạn thể thao nội địa (đạn đĩa bay và đạn súng hơi), từng bước giải quyết khó khăn về thiếu đạn trong thể thao nhiều năm qua bằng đạn nội địa trong tương lai gần phục vụ thiết thực cho tập luyện, thi đấu của VĐV”.
Tuy nhiên, có mặt phát biểu ở Đại hội Liên đoàn bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 7 (ngày 30-6), Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn khẳng định cụ thể rằng việc thiếu đạn trong tập luyện với môn bắn súng và đội tuyển bắn súng Việt Nam là thực trạng mà ngành thể thao đã và đang tháo gỡ. Nhìn thẳng vấn đề, ông Phấn nói “chúng tôi cũng đã có cơ hội được làm việc với các đơn vị Z của Bộ Quốc phòng nhưng phải nói thật là súng, đạn là một lĩnh vực đặc thù nên rất chuyên ngành. Nếu chúng ta có được đạn nội địa thì quá tốt nhưng điều này là không dễ”.
Người đứng đầu Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 cho biết trong giai đoạn chuẩn bị trước SEA Games 31, việc đội tuyển bắn súng Việt Nam có thời điểm tập nhưng thiếu đạn đã xảy ra và các thành viên đều cố gắng vượt khó khăn.
“Chúng ta có trường bắn hiện đại, có súng nhưng nếu thiếu đạn thì cũng không giải quyết được bài toán về chuyên môn. Một VĐV muốn nâng cao chuyên môn thì mỗi buổi tập được bắn không dưới 1.000 viên đạn. Hiện ngành thể thao đang tháo gỡ khó khăn về đạn nói chung đối với VĐV khi tập luyện rồi thi đấu”, ông Phấn nói thêm.
Trong báo cáo kiểm điểm hoạt động của Liên đoàn bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 6, ban kiểm điểm đã chỉ ra rằng công tác phát triển quan hệ đối ngoại được rộng mở với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó, với việc duy trì quan hệ quốc tế tốt đẹp, “bắn súng Việt Nam phát huy sự giúp đỡ của các nước bạn về cơ sở vạt chất, súng, đạn, trang thiết bị tập luyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các kỳ tập huấn, thi đấu quốc tế của VĐV”, bản báo cáo ghi rõ.
Giải quyết cho câu chuyện làm thế nào để không xảy ra việc thiếu đạn khi thi đấu, vấn đề nguồn lực tài chính vẫn được đặt lên hàng đầu qua đó bắn súng Việt Nam mới có khả năng mua đạn ở nước ngoài khi mà đạn nội địa chưa thể cung cấp đủ theo đúng quy định.
Mở rộng tìm nguồn tài trợ, tự trang trải kinh phí hoạt động và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nhằm tìm nguồn tài chính cho Liên đoàn qua đó thêm nguồn lực phát triển cho môn bắn súng... là một số giải pháp được Liên đoàn bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 7 đề ra. Ngoài ra, Liên đoàn bắn súng kiến nghị, đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ VH-TT-DL cùng Tổng cục TDTT tạo những điệu kiện và hỗ trợ Liên đoàn bắn súng Việt Nam tổ chức phát triển cơ sở hoạt độn, giữ gìn phát triển truyền thống gắn với giáo dục quốc phòng và an ninh trong nhà trường, quốc gia; xã hội hóa môn bắn súng trên toàn quốc đồng thời có cơ chế phù hợp với sự phát triển của cơ chế thị trường.
Đánh giá về điều này, ông Phấn cho rằng, yêu cầu trên hết là cần phát triển môn thể thao bắn súng tại địa nhiều địa phương nhưng phải đảm bảo được cơ sở vật chất trong tập luyện, thi đấu bằng không sẽ rất khó đạt được hiệu quả. “Bắn súng là môn thể thao được đầu tư trọng điểm cho thể thao thành tích ca hướng tới Olympic. Tuy nhiên, hoạt động của bắn súng thể thao cũng là một đặc thù nên trong các quyết định đều có sự xem xét kỹ lưỡng từ các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo tốt nhất an ninh, an toàn”, ông Phấn nói.
Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho rằng Liên đoàn bắn súng Việt Nam đang là Liên đoàn lớn nhất cả nước khi có 51 ủy viên ban chấp hành nhưng cũng phải tính toán hiệu quả hài hòa giữa người làm chuyên môn với nhân tố xã hội cùng tham gia và trên hết có sự đoàn kết thống nhất.
Liên đoàn bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 7 đặt mục tiêu có 2 VĐV tham dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Đồng thời, Liên đoàn sẽ hợp tác với Bộ Quốc phòng sản xuất đạn thể thao phục vụ cho tập luyện thi đấu của VĐV, đầu tư mua sắm, nhập khẩu súng mới và đạt theo yêu cầu. |