Trẻ mà run tay

Theo thống kê còn nóng hổi của các hãng bảo hiểm y tế bên Đức, không dưới 1/4 người đang làm việc trong văn phòng là nạn nhân của một tình trạng nghịch lý dù còn rất trẻ, bề ngoài coi rất khỏe. Đó là họ run tay, tuy với biên độ nhẹ nhưng giảm lực cơ khiến họ dễ đánh rơi vật nhẹ như cây bút, tách cà-phê, tập tài liệu…

Tình trạng này rất rõ nét ở người:

+ Làm việc liên tục nhiều giờ trước máy vi tính với thói quen di chuyển “chuột” trên mặt bàn trong một khoảng cách quá ngắn khiến cánh tay thường trong trạng thái co cứng. Nếu tưởng “hội chứng bắt chuột” chỉ tác hại tại chỗ khiến nạn nhân đau đầu, mỏi gáy, tăng áp lực nội nhãn… thì sai. Kết quả nghiên cứu cho thấy không dưới 80% nạn nhân của hội chứng này sớm muộn cũng là ứng viên hàng đầu của tình trạng rối loạn giấc ngủ;

+ Cảm xúc quá thường như giận dữ, buồn chán, hay cả hai, trong sinh hoạt nghề nghiệp khiến họ khi thì phản ứng cường điệu theo kiểu hở chút là giận, lúc thì ngược lại buồn chán ù lì chẳng khác nào cứ như trầm uất nhiều năm. Điểm đáng nói là tình trạng suy nhược thần kinh sớm muộn cũng thắng thế nếu nạn nhân không có cách nào tìm lại giấc ngủ yên bình;

+ Ngủ không đủ, hay tuy ngủ đủ giờ “hành chính” nhưng không sâu vì gia chủ mang công việc còn dở dang vào giấc ngủ. Một số không ít vì thế choáng váng khi thức dậy.

Chuyện gì cũng có lý do. Tất cả đối tượng của “hội chứng không sợ mà run”, dù trẻ hay già, đều có vài điểm tương đồng theo kết quả nghiên cứu của Phân khoa Bệnh lý do stress ở Đại học Munich, CHLB Đức. Đó là:

+ Thiếu nội tiết tố Melatonin của tuyến yên, chất có nhiệm vụ kích ứng tín hiệu của giấc ngủ theo đúng nhịp ngày thức- đêm ngủ. Chất này rất dễ thiếu nếu gia chủ làm việc nhiều giờ trong văn phòng đóng kín cửa, thiếu ánh sáng thiên nhiên, lại thêm chăm chú vào màn hình nhấp nháy liên hồi của máy vi tính. Chính vì thiếu chất này mà nạn nhân sa sút trí nhớ và nhất là buồn ngủ trật giờ theo kiểu ban ngày lừ đừ, đêm về trao tráo. Bằng chứng là không chỉ tình trạng run tay khi cảm xúc mà chức năng tư duy cũng được cải thiện thấy rõ sau thời gian vài tuần được điều trị với Melatonin;

+ Tế bào não thiếu năng lượng vì trục trặc trong khâu chuyển hóa dưỡng chất.  Nạn nhân vì thế dễ hồi họp khi phải động não, mệt nhoài sau ngày làm việc nhưng vẫn khó ngủ. Đó là lý do tại sao nhiều thầy thuốc đang dùng Lactium, hoạt chất tinh chế từ Casein của sữa, trong phác đồ điều trị suy nhược thần kinh dưới dạng lo lắng thái quá vì Lactium chẳng khác nào xe tải năng lượng cho tế bào não bộ;

+ Rối loạn dẫn truyền giữa các vùng giao tiếp trên não bộ nên hệ thần kinh phản ứng sai lệch. Nạn nhân, bên cạnh chuyện run tay khi cần thao tác tinh tế, có giấc ngủ hoặc quá ngắn, hoặc không đủ sâu, hoặc cả hai. Hậu quả là tế bào thần kinh càng thiếu dưỡng khí sau khi ngủ, nghĩa là tất cả tiến trình phục hồi trên cả 2 mặt tâm thể của gia chủ, đều bị đình trệ.

Tế bào thiếu dưỡng khí chẳng khác nào cá nằm trên thớt chờ chiên xù. Nạn nhân tất nhiên không thể chào ngày mới với cảm giác lạc quan, yêu mình, yêu người, yêu đời. Nói cách khác, trầm uất chỉ chờ có thế mà thôi.

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục