Bạo lực ở Cúp Quốc gia, ở Super League hay trọng tài bị chậm tiền... những câu chuyện liên tục được làm nóng như mũi dùi xoáy vào VPF. Trong làn sóng chỉ trích ấy, ngạc nhiên thay lại có VFF - cổ đông lớn nhất của ...VPF.
1.Nói lộn xộn đầu mùa bóng 2012, HLV Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam Nghệ An bóng gió rằng, nó bắt nguồn từ việc VPF và VFF đang ở cảnh mặt trăng, mặt trời. Thắng “mạch” thậm chí còn nói thẳng anh có cảm giác rằng, xung đột giữa VPF và VFF chỉ đơn giản nằm ở bản hợp đồng truyền hình có thời hạn tới 20 năm mà VFF đã bán cho AVG.
Chẳng riêng HLV của Sông Lam Nghệ An, dám chắc, tất cả những ai quan tâm đến bóng đá Việt cũng có thể hình dung ra, giữa VFF và VPF đang là khoảng cách lớn và chắn giữa nó là cái bản hợp đồng kỷ lục nói trên. Nghiệt ở chỗ, khoảng cách ấy dường như ngày càng rộng và mắc mứu về chuyện truyền hình ngày càng lớn hơn. VFF có cái lý của riêng mình. VPF đương nhiên cũng có những văn bản pháp lý để mà dựa dẫm để phá cho được cái bản hợp đồng 20 năm. Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT-DL chưa có ý kiến chính thức bởi đang chờ kết luận của đoàn thanh tra. Chưa biết đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL đưa ra kết luận nào nhưng ngay cả khi có kết quả, VPF mà đại diện là các ông “bầu” có chấp nhận nó không bởi nói như “bầu” Thắng thì Bộ VH-TT-DL chỉ là 1 trong 3 bộ mà VPF đề nghị vào cuộc. Các ông “bầu” thậm chí còn bóng gió sẵn sàng lớm tới FIFA hay Tòa án thể thao quốc tế để làm rõ trắng đen hòng bảo đảm quyền lợi của các CLB. Cứ tình hình ấy, có lẽ VFF và VPF sẽ khó mà gặp được nhau.
2. Các HLV, chuyên gia gạo cội, khi được hỏi về VPF đều có chung cảm giác rằng, công ty này đi vào hoạt động có phần vội vã. Trên nguyên tắc, VPF sẽ phải lo từ A đến Z các giải đấu do mình tổ chức. Nhưng hiện tại, Super League, Cúp Quốc gia rồi đến hạng Nhất, VPF chưa đủ năng lực nhân sự mà điều hành. Các trọng tài vẫn đang thuộc quyền quản lý của Ban trọng tài - trực thuộc VFF. Lực lượng giám sát vẫn đang tự cho mình là người của VFF và họ chỉ xem mình như người làm thuê cho VPF. Nói chính xác thì VPF, về mặt nhân sự vẫn đang dựa vào VFF. Trong việc điều hành các giải đấu, công ty này có phần bị động khi xử lý các tình huống nóng để rồi tất cả lại dồn về Ban kỷ luật của VFF như trước đây. Chưa thể hoạt động độc lập, phải dựa vào VFF nhưng VPF vẫn kiên định vấn đề truyền hình. Cứ căng với nhau về lý, hỏi sao VPF có thể nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tuyệt đối của VFF - đơn vị đang là chỗ dựa cho VPF dù họ là cổ đông chính?
3. Đã có quá nhiều phê phán về tình trạng bạo lực ở Super League, Cúp Quốc gia và hạng Nhất 2012. Đích thân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng bóng gió phê phán và tỏ ý chê bai VPF thiếu năng lực. Đây là điều đáng ngạc nhiên bởi ông Hỷ là người đứng đầu VFF - cổ đông lớn nhất, lại đi chê bai chính VPF cái “nồi cơm” mà mình phải vun vén. Thực ra dưới tay VPF, các giải đấu năm 2012 không chỉ toàn màu xám. Bạo lực trên sân Vinh, ở sân Thống Nhất xét cho khách quan, là một phần của bóng đá. Vấn đề ở đây chỉ là công tác tổ chức ở các sân bóng chưa được chu toàn. Super League mấy vòng đấu, dưới mắt các chuyên gia, đã thẳng thật và hấp dẫn hơn.
VPF - hình thức mà từ FIFA và AFC khuyến khích thực hiện cách đây 5 năm đang ở giai đoạn cam go nhất. Tất cả những rắc rối, theo HLV Hữu Thắng là vấn đề bản quyền truyền hình. VPF dựa vào chữ lý, VFF tuyên bố cứ luật mà làm. Có lẽ đã đến lúc cả đôi bên phải nhớ đến chữ tình để mà xích lại gần nhau bởi cứng quá có khi vỡ...
Tường Khôi