Tiêu chí, tiêu chuẩn nào chọn nguồn lực VĐV thành tích cao cho thể thao Việt Nam

Ngành thể thao sẽ tổ chức Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 và dự báo nhiều ý kiến, sự góp ý của nhà quản lý, giới chuyên môn được đưa ra. Người làm nghề trực tiếp, điều quan trọng trên hết vẫn phải là có được trọng tâm của vấn đề chính là VĐV chất lượng, đảm bảo được khả năng bứt phá trên các đấu trường.

Bài toán nguồn lực con người cho thể thao Việt Nam là vấn đề lớn cần giải quyết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bài toán nguồn lực con người cho thể thao Việt Nam là vấn đề lớn cần giải quyết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Để thể thao Việt Nam, đặc biệt là thể thao thành tích cao hình thành và phát triển mạnh mẽ thì ngành này cần tổng hòa của nhiều yếu tố. Với người làm chuyên môn, trung tâm của vấn đề là nguồn lực con người bao giờ cũng phải được ưu tiên trên hết. Kế đó là tới sự đầu tư bằng dinh dưỡng, chế độ, khen thưởng và cơ sở vật chất cùng sự đào tạo chuyên môn cho nguồn lực ấy.

Hiện tại, Cục TDTT đang thực hiện công tác thẩm định và nghiệm thu tiêu chí, tiêu chuẩn và trình tự tuyển chọn VĐV (cuộc họp gần nhất vào ngày 2-12). Các tiêu chí và tiêu chuẩn về tuyển chọn VĐV trong từng môn đã được đưa ra mà ở đó có tham vấn từ các HLV, chuyên gia và lãnh đạo bộ môn để nhà quản lý xây dựng được bộ tiêu chí tuyển chọn từng cấp độ phù hợp cho từng môn, từng nội dung. Năm 2018, Luật số 26/2018/QH14 do Quốc hội thông qua về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã được ban hành và có những quy định đầy đủ đối với nhiều nội dung dành cho VĐV, HLV. Cục TDTT có các cơ sở dựa trên đó và lập Hội đồng thẩm định và nghiệm thu tiêu chí, tiêu chuẩn và trình tự tuyển chọn VĐV.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 223/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Hiện tại, chương trình này đang là tiêu chí để được nhà quản lý tìm, tuyển chọn VĐV cho thể thao thành tích cao. Đề án đưa ra với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao của thể thao Việt Nam để phấn đấu tới năm 2035, chúng ta tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện VĐV tài năng, đào tạo, bồi dưỡng HLV tài năng của các môn thể thao đã được xác định. Đề án ghi cụ thể “tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 VĐV đội tuyển quốc gia; trong đó khoảng 400 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 HLV tài năng, trong đó có khoảng 60 HLV cao cấp. Đề án 223 hướng tới các chương trình tập huấn dài hạn trong nước và quốc tế. Trong đó, các VĐV sẽ nhắm tới cho những đấu trường là SEA Games, ASIAD, thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic.

Dự kiến ngày 7-12 sắp tới, lãnh đạo Cục TDTT tiếp tục báo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL công tác chuẩn bị Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030. Các Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) cùng Ủy ban Olympic Việt Nam đã xây dựng các nội dung để đưa ra trao đổi, phân tích tại Hội thảo khi được diễn ra. Tập trung trên hết vẫn là vấn đề của thể thao thành tích cao.

Ghi nhận thực tế, sau ASIAD 19, các đội tuyển thể thao quốc gia và các đội tuyển trẻ thể thao quốc gia đang tập luyện duy trì chuyên môn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ hết giai đoạn tập trung của năm 2023 theo quyết định ban hành từ trước. Nội dung thảo luận tại Hội thảo được chờ đợi là gợi ý, gợi mở để nhà quản lý làm việc với các bộ phận chuyên môn nhằm thực hiện một chương trình đào tạo tốt nhất, có sự đầu tư phù hợp nhất cho thể thao thành tích cao.

Một bài toán vẫn đang được đặt ra rằng khi nguồn lực được cấp chỉ giới hạn trong từng năm, thể thao Việt Nam sẽ có kế hoạch đầu tư tập trung gói gọn theo số nội dung, số con người từ đó hình thành đội ngũ mạnh nhất thi đấu đấu trường Đông Nam Á, châu Á, thế giới (theo mục tiêu thành tích đề ra) hay tiếp tục dàn trải tập trung tập huấn nhiều người, nhiều nội dung (?). Hội đồng chuyên môn của Cục TDTT đang làm công việc này nhằm quyết định tiêu chí, tiêu chuẩn và trình tự tuyển chọn VĐV cho thể thao thành tích cao. Được biết, năm 2023, thể thao Việt Nam đã tập trung hơn 1.400 lượt VĐV tại các đội tuyển thể thao quốc gia.

Tin cùng chuyên mục