Tiền tỷ cho bóng đá nữ

Một khoản tiền kỷ lục, hơn 22 tỷ đồng đã được hứa thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sau thành tích lần thứ 6 đoạt HCV SEA Games. Điều đó thật đáng mừng, bởi với các cầu thủ nữ, dù số tiền đó được chia theo kiểu gì thì cũng là một khoản thu nhập rất lớn khi năm hết, tết đến.
Các cô gái Việt Nam được thưởng lớn từ sau thành công ở SEA Games 30. Ảnh: Đông Huyền
Các cô gái Việt Nam được thưởng lớn từ sau thành công ở SEA Games 30. Ảnh: Đông Huyền

Nhưng số tiền “khủng” đó lại mang đến một phát hiện khá thú vị: gấp 33 lần so với tổng số tiền thưởng của giải vô địch bóng đá nữ quốc gia 2019 (660 triệu đồng); hoặc với số tiền đó có thể dùng để tổ chức giải vô địch cho các cô gái Việt Nam trong vòng 10 năm.

Vậy nhưng có một sự thật là suốt 8 năm qua, giải vô địch bóng đá nữ gần như chỉ có Công ty Thái Sơn Bắc là nhà tài trợ chính. Công ty này “bền bỉ” đến vậy cũng vì ông chủ Trần Anh Tú là người nhà của VFF.

Từ trước đến nay, bóng đá nữ luôn khó khăn về tài chính, nhất là ở hệ thống thi đấu quốc gia. Vì vậy mà phải đến năm 2019 thì VFF mới tổ chức thêm cúp quốc gia, nhưng nhà tài trợ cũng chẳng ai khác, vẫn đến từ những công ty, sản phẩm mà ông Trần Anh Tú đang kinh doanh.

Với các CLB thì có ông Trần Anh Tú, với đội tuyển thì có doanh nhân Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Quảng Ninh, xung phong làm Trưởng ban bóng đá nữ để… tự bỏ tiền túi đài thọ cho đội tuyển. Trong số 22 tỷ đồng, cá nhân ông Phạm Mạnh Hùng đã bỏ ra 1,5 tỷ đồng, chưa kể 500 triệu đồng cho mỗi trận thắng ở vòng bảng SEA Games.

Tất nhiên là chuyện nào ra chuyện đó. 22 tỷ đồng cho đội tuyển là của đội tuyển, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao hàng chục doanh nghiệp, thương hiệu sẵn sàng tặng tiền cho chiếc HCV SEA Games nhưng lại không thể tham gia vào đời sống của bóng đá nữ một cách cụ thể, thiết thực hơn.

Trên thực tế, chi phí tổ chức các giải bóng đá nữ không lớn do số lượng CLB hiện nay quá ít, không quá 8 đội mỗi năm. Vì vậy, số lượng trận đấu của các cô gái không nhiều. VFF đã cố gắng chia giải vô địch thành 2 lượt đi, về và mới bổ sung thêm cúp quốc gia nhưng tổng số trận đấu mỗi năm chưa đến 20. Cầu thủ nữ thì như đã biết, chỉ nhận lương như công nhân. Thu nhập phát sinh duy nhất của họ chính là khi vào những giải đấu. Như vậy, nếu tăng được số trận đấu lên, cầu thủ sẽ được thi đấu nhiều hơn và có cơ hội tăng thu nhập. Nếu chúng ta biết, số tiền thưởng cho đội đoạt Cúp quốc gia 2019 chỉ là 100 triệu đồng, thì sẽ thấy con số 22 tỷ đồng khủng khiếp như thế nào.

Bóng đá nữ Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á từ năm 2001 đến nay, với 6 HCV SEA Games và 3 chức vô địch AFF Cup. Tuy nhiên, dù thường xuyên có mặt trong tốp 6 của bóng đá nữ châu Á nhưng Việt Nam vẫn chưa lần nào dự World Cup, trong khi Thái Lan có đến 2 lần. Vấn đề lớn nhất của bóng đá nữ Việt Nam là không có sự thay đổi về chất lượng con người. Với chừng đó CLB, đời sống VĐV thì khó khăn, khó mà đào tạo cầu thủ liên tục để tìm kiếm những thế hệ có tài năng cũng như thể chất tốt hơn những đàn chị.

Giá như có thêm tiền tỷ cho hệ thống giải vô địch quốc gia thì sẽ tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục