* London 2012 sẽ là kỳ Thế vận hội lớn nhất trong lịch sử ở lĩnh vực xét nghiệm doping. Phân nửa VĐV phải trải qua việc kiểm tra với dự kiến 6.000 mẫu thử được thực hiện bởi đội ngũ lên đến 150 nhà khoa học đầu ngành. Với đội ngũ 1.000 nhân viên, trung tâm chống doping của London sẽ kiểm tra trung bình 400 mẫu thử mỗi ngày nhằm xác định đến 240 loại chất cấm khác nhau mà các VĐV đã được khuyến cáo là không được sử dụng. T.O.
Mất mát từ Olympic 1. Câu chuyện thứ nhất: Bộ đồng phục của đoàn thể thao Mỹ tại Olympic 2012 đã khiến dân Mỹ giận dữ. Sau hàng loạt phản ứng của dân chúng, vị dân biểu bang New York Steve Israel kêu gọi Ủy ban Olympic Mỹ hãy bỏ bộ đồng phục này và thay bằng trang phục được may tại Mỹ. Còn Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Harry Reid đã tỏ ra xấu hổ và yêu cầu… chất đống và đốt bỏ. Lý do khiến dân Mỹ không giữ được bình tĩnh là bởi trang phục này có dòng chữ… made in China. Câu chuyện thứ hai: Hội đồng thành phố London vừa chỉ trích Ủy ban Olympic quốc tế đã lựa chọn công ty hóa chất Dow Chemical làm đối tác toàn cầu. Trước đó, nhiều nước trên thế giới cũng đã lên tiếng phản đối khi công ty này được chọn là nhà tài trợ cho Olympic 2012 và kéo dài đến năm 2020.
Sở dĩ sự phản đối ngày càng nhiều bởi Dow Chemical quá “tiếng tăm” khi là đơn vị sản xuất chất diệt cỏ mà Mỹ đã sử dụng rải xuống Việt Nam, hủy diệt sự sống và gây hậu quả nặng nề cho bao thế hệ con người. 2. Biểu tượng 5 vòng tròn của Olympic biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình của toàn nhân loại. Olympic mang tinh thần thượng võ. Người ta xem thi đấu ở Olympic là những cuộc tranh tài, chứ không phải tranh chấp. Cách nay hơn 2.700 năm, người Hy Lạp đã tổ chức đại hội Olympic lần đầu tiên tại bán đảo Peloponnesus và ngay từ thời đó người ta đã cấm mang vũ khí vào đấu trường trong thời gian thi đấu. Olympic cho đến ngày nay luôn mang thông điệp hòa bình. Nhưng có lẽ, nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị ảnh hưởng ngày càng lớn đến việc tổ chức Olympic. Vì sao một quốc gia mạnh về kinh tế như Mỹ mà lại sử dụng trang phục do Trung Quốc sản xuất? Và người dân Mỹ có lý do của họ khi bày tỏ thái độ giận dữ trước vụ việc này. Người Mỹ không thiếu tiền để may trang phục, nhưng như phát ngôn viên của Ủy ban Olympic Mỹ Patrick Sandusky thì “Không giống như nhiều nước khác trên thế giới, đoàn vận động viên Olympic Mỹ có nguồn quỹ riêng và chúng ta phải biết ơn các nhà tài trợ”. Nói vậy, nhưng liệu dân Mỹ có chấp nhận một “nhà tài trợ” nào đó có thể khiến tinh thần dân tộc bị tổn thương? Với Dow Chemical, một “tên tuổi” khiến hàng triệu người trên thế giới phải gánh chịu nỗi đau do sản phẩm của họ mang lại kéo dài nhiều thế hệ, có giúp cho Olympic thành công hơn? Theo tài liệu lưu trữ, Dow Chemical là một trong những công ty hóa chất chủ chốt sản xuất chất độc da cam đã được quân đội Mỹ sử dụng tới 80 triệu lít rải khắp làng quê miền Nam Việt Nam trong mười năm từ 1961 đến 1971. Bất chấp dự luận quốc tế, Dow Chemical vẫn phớt lờ và từ chối bồi thường cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc da cam do công ty sản xuất cũng như tham gia tẩy độc những vùng đất bị nhiễm độc. Nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam yêu cầu Dow Chemical thực hiện nghĩa vụ đối với các nạn nhân chất độc da cam và phải dành nguồn lực tài chính để khắc phục hậu quả việc này trước khi có đủ tư cách tài trợ cho Olympic. Thế nhưng, phúc đáp lại tiếng nói của công lý trên thế giới, Ủy ban Olympic biện minh rằng “Dow Chemical khẳng định họ đã ngừng sản xuất chất da cam từ trước cuối năm 1969 và Dow Chemicals đã ủng hộ phong trào Olympic nhiều năm nay…”. Nói đó là biện minh, bởi như lời ông Len Aldis, chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt: “Không một số tiền nào có thể giúp Dow Chemical được chấp nhận làm nhà tài trợ cho Thế vận hội. Nếu Dow Chemical muốn cho tiền, họ hãy bồi thường cho các nạn nhân và gia đình những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam”. Rõ ràng tinh thần Olympic vẫn sống mãi, nhưng những động cơ và mục đích khác nhau đã khiến thế vận hội không hẳn là sân chơi của các vận động viên đến tranh tài trên tinh thần thượng võ như tại Peloponnesus nữa. Olympic hiện đại đã mất mát khá nhiều là vậy. Hoàng Quì |