Tin cho biết, giám đốc điều hành của CLB TPHCM đang chơi ở hạng nhất - ông Nguyễn Chí Kiên vừa bán chiếc xe hơi thứ 2 để có tiền trả lương cho cầu thủ, mà đó chỉ là phần “lương cứng”. Ông Kiên đã từng hy vọng “cầm cự” đến Euro 2012 thì sẽ có mạnh thường quân chịu nhận lại đội bóng nhưng đến nay đã không thành và CLB TPHCM đang trên đường xuống hạng nhì và giải tán.
Cũng tại giải hạng nhất, sau khi nhà tài trợ “bắn” tín hiệu bỏ cuộc, đội Bình Định lập tức thua ngay đội đang đứng chót bảng Tây Ninh, coi như chấp nhận “trụ” lại hạng nhất chứ không thăng hạng vì chưa biết tương lai có tiền để nuôi đội hay không.
Ở V-League tình hình còn bi kịch hơn. Ngay tại một đội được xếp vào hạng “nhà giàu” mà hiện nay cầu thủ chỉ còn biết nhận “lương cứng” đến mức phải vay mượn bên ngoài để sống chờ đến ngày lĩnh lương thay cho việc rủng rỉnh tiền trong túi nhờ tiền thường sau mỗi trận thắng. Theo thông tin của chúng tôi, hiện có ít nhất 4 đội đang trong tình trạng nợ lương 2-3 tháng.
Trong bối cảnh đó, việc bầu Trường của đội Ninh Bình treo thưởng 1,5 tỷ đồng đã là động lực để đội này thắng ngay trên sân của đội đầu bảng Hà Nội T&T ở vòng đấu vừa qua. Tuy nhiên, thưởng kiểu như Ninh Bình hiện là “của hiếm” cho dù ở các CLB hiện nay đều có các quy chế thưởng trong quá trình thi đấu nhưng muốn nhận tiền thì phải đợi đến kết thúc mùa giải mới biết có nhận được hay không.
Cầu thủ Việt Nam vốn có thói quen “có thưởng mới chịu đá” chứ không nhìn vào tiền lương của mình nên ở thời điểm khó khăn về tài chính hiện nay, họ càng dễ nảy sinh tiêu cực là không còn khao khát thi đấu nữa. Đó là lý do mà mùa bóng 2012 hoàn toàn không có CLB nào đặt chỉ tiêu vô địch và cuộc đua đến ngôi số 1 mùa bóng hiện nằm trong tay của 2 CLB được cho là của “bầu” Hiển (Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng). Điều đó khiến chất lượng thi đấu càng về sau càng kém đi thấy rõ.
Thậm chí, có chuyên gia còn nhận định, ngay đến việc trụ hạng ở mùa này cũng chẳng còn quan trọng nên một đội được xếp hạng “nhà nghèo” như Kiên Giang sẽ ngưng nỗ lực và chấp nhận suất xuống hạng thứ 2 sau Hải Phòng. Như vậy, 5 vòng đấu cuối cùng của V-League sắp đến cũng chẳng còn gì để xem.
Đây chỉ là hệ quả tất yếu của cách làm bóng đá theo kiểu “nghiệp dư lãnh lương cao”. Khi nguồn tiền doanh nghiệp ngưng rót vào bóng đá, có nguy cơ bóng đá Việt Nam quay trở lại nơi xuất phát hơn chục năm trước sau một thời gian bị bơm phồng chủ yếu bằng tiền thay vì phát triển căn cơ. Không có tiền thì không mua cầu thủ ngoại, không trả lương, thưởng cao và cũng không thể có những trận đấu chất lượng một khi hệ thống đào tạo không được chăm chút.
VIỆT QUANG