Tức là Man.United sẽ có 5 mùa giải trắng tay sau thời Alex Ferguson. Có người bi quan hơn, chưa biết chừng Man.United lại nối bước Arsenal với hơn thập niên không có danh hiệu vô địch. Có kiêu hãnh đến mức nào thì cũng phải chấp nhận.
Lấy câu chuyện ở Anh để nói chuyện ở Việt Nam, nhân việc Quảng Nam lần đầu vô địch V-League và người đội trưởng của họ - tiền vệ Đinh Thành Trung là ứng viên sáng giá nhất của cuộc bầu chọn Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam 2017.
Không hiểu sao có nhiều người tìm cách phủ nhận chiến thắng của Quảng Nam. Ban đầu, họ viện dẫn lý do V-League bây giờ kém chất lượng, đá không ai xem, nên có vô địch thì cũng chẳng hãnh diện gì. Kế tiếp, họ lại cho rằng, vì Quảng Nam có “dây mơ rễ má” với bầu Hiển nên được những “người anh em” giúp đỡ mà lên ngôi.
Ít ai quan tâm đến chi tiết đội bóng đó đã mất đến 20 năm kể từ ngày tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mới quay trở lại sân chơi cao nhất và mất thêm 4 mùa giải tích lũy kinh nghiệm mới lên ngôi vô địch, chứ không phải “từ trên trời rơi xuống”.
Cũng chẳng mấy ai đề cao sức mạnh tập thể và khao khát thành công của một đội bóng có quá ít ngôi sao, không có những khoản thưởng khổng lồ hay một sân vận động luôn đầy ắp người cổ vũ nhưng cả mùa chỉ để thua đúng 4 trận và đăng quang nhờ tinh thần không bỏ cuộc đến tận phút cuối.
Tại sao giữa sự ngờ vực thiếu chứng cớ và các phẩm chất thể thao tuyệt vời được thể hiện rõ ràng, người ta lại luôn nghiêng về khía cạnh tiêu cực thay vì tôn vinh?
Tại sao không ai thấy rằng, kể từ sau chức vô địch quốc gia đầu tiên của bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1992) thì phải mất 17 năm, Đà Nẵng mới trở lại ngôi vương còn Quảng Nam là 25 năm. Quãng thời gian đó quá dài, chức vô địch của họ vì thế vô cùng có ý nghĩa.
Nói cách khác, V-League dù chưa được như kỳ vọng thì không có nghĩa là chức vô địch phải bị rẻ rúng hoặc xem nhẹ. Từ lúc V-League ra đời năm 2001 đến nay, có ít nhất 10 đội bóng đã ra đời và biến mất mà chưa lần nào chạm đến vinh quang. Hơn 60 đội bóng khác nhau từng tham gia thi đấu nhưng cũng chỉ mới có 7 cái tên vô địch V-League.
Có những đội tiêu tốn cả trăm tỷ đồng mỗi mùa giải, nhưng 5 năm qua vẫn chưa thể trở thành số 1. Nói như vậy để thấy, dù là V-League hay giải Ngoại hạng Anh, vinh quang không bao giờ là điều dễ dàng có được.
Câu chuyện của Đinh Thành Trung cũng thế. Nếu đội Quảng Nam không vô địch, chưa chắc tiền vệ có phong cách chơi bóng thầm lặng này đã là ứng viên số 1 của QBV Việt Nam.
Lịch sử của giải thưởng chỉ mới ghi nhận 8 trường hợp QBV là thành viên của đội vô địch quốc gia cùng năm. Điều này có nghĩa, cơ hội để một cầu thủ như Đinh Thành Trung trở thành QBV Việt Nam, là vô cùng ít ỏi. Đó quả là thời khắc của cuộc đời mà không phải ai, dù cống hiến hết mình cho bóng đá, cũng có thể vươn đến được.
Ý nghĩa của giải thưởng QBV Việt Nam là ở chỗ đó. Không phải vì một vài thất bại nào đó của đội tuyển quốc gia, sự sa sút chất lượng của làng cầu nội địa, mà vội vàng đánh giá thấp chức vô địch của một đội bóng, hay phủ nhận vai trò của một giải thưởng. Ngẫm cho cùng, gạt bỏ hay phủ nhận thì quá dễ nhưng bất kỳ ai, bất kỳ điều gì, cũng luôn có những điểm xứng đáng để ghi nhận và tôn vinh