Thiếu sự quan tâm

Khi được hỏi sẽ làm gì trong ngày 8-3, thủ môn Kiều Trinh, 2 lần liên tiếp nhận Quả bóng vàng Việt Nam rất thật lòng: “Với cầu thủ nữ thì ngày nào cũng như ngày đó thôi ạ! Có lẽ mấy chị em tự đãi nhau một chầu để vui cái ngày của mình”. Cựu danh thủ Văn Thị Thanh, nay làm HLV cho đội Phong Phú Hà Nam, cho biết: “Cũng hy vọng được ông xã gọi điện chúc mừng, nhưng thật tình thì trong đầu chỉ nghĩ đến cậu con trai 2 tuổi đang gởi cho ông nội ở quê. Đội vào TPHCM đá giải VĐQG đã gần tháng rồi. Nhớ con quá. Từ khi còn con gái, rồi lấy chồng, có con nhưng vẫn phải xa nhà như thế”.

Khổ mãi rồi cũng thành bình thường, đấy là cảm giác chung của các cô gái đá bóng. Khác với cầu thủ nam, sự nghiệp của nữ cầu thủ chỉ thăng hoa vài năm. Đến 28 tuổi mà không nghỉ thi đấu thì có thể… ế chồng! Toàn bộ tuổi thanh xuân của một thiếu nữ là những buổi tập ngoài nắng rát và những chuyến tập huấn xa nhà hàng tháng trời. Họ không đủ thời gian để chăm sóc cho mình, hầu như không có tương lai về nghề nghiệp. Đấy là lý do mà tất cả những cầu thủ nữ khi nói về ngày 8-3 đều dành lời cảm ơn đến những người mẹ đã sinh ra và chấp nhận sự chọn lựa khắc nghiệt của họ đối với bóng đá. Nếu không có chỗ dựa vững chắc ấy, sẽ khó mà phát triển bóng đá nữ, nói gì đến giấc mơ lọt vào VCK World Cup 2015 mà bóng đá Việt Nam có khả năng chạm đến vào tháng 5 này.

Làm gì cho bóng đá nữ, là câu hỏi đã được đặt ra suốt 2 thập niên qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Làm gì cho bóng đá nữ, là câu hỏi đã được đặt ra suốt 2 thập niên qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Tính đến nay, đã có ít nhất 3 thế hệ cầu thủ nữ cống hiến cho nền bóng đá nước nhà. Vậy nhưng, những gì mà các cô gái đá bóng phải đối diện chẳng khác gì trước đây. Nói như cựu danh thủ Lưu Ngọc Mai, ngày trước còn “sướng hơn”, bởi hồi đó chỉ đá bóng bằng đam mê. Còn bây giờ, cuộc sống vất vả hơn, yêu cầu cao hơn và cầu thủ nữ càng phải hy sinh nhiều hơn, thiệt thòi không thể kể hết.

Thế nhưng, làm cầu thủ lại vẫn chưa thành một cái nghề khi phong trào bóng đá nữ ngày càng thu hẹp. Người hâm mộ đã quay lưng với bóng đá nội thì các trận bóng đá nữ, càng thêm phần hiu quạnh. Không có khán giả, bóng đá nữ càng không có tiền để tự nuôi mình. Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam, cụ thể là VFF, hiện vẫn loay hoay khi chỉ việc tìm tiền tài trợ cho giải VĐQG còn khó, nói gì đến việc thực hiện chiến lược phát triển phong trào tạo nền cho bóng đá nữ. Dù đem về nhiều vinh quang cho đất nước, nhưng ngay chính các cô gái đá bóng cũng phải cám cảnh thừa nhận, họ như đang “sống ký sinh” trên bóng đá nam.

Hơn 10 năm làm rạng danh đất nước, nhiều cầu thủ ngậm ngùi chia tay với đam mê vì chấn thương không có tiền chữa trị. Nhiều người bỏ nghề để kiếm một tấm chồng để ổn định cuộc sống. Họ hoàn toàn không nhận được gì khác ngoài số tiền lương ít ỏi không mấy thay đổi sau chừng đó thời gian và các khoản thưởng mỗi khi được lên tuyển quốc gia. Chưa từng ai nghi ngờ về khát khao cống hiến của họ. Cũng chưa có cầu thủ nữ nào cao giọng đòi hỏi quyền lợi cho mình. Họ cam chịu với số phận của bóng đá nữ chỉ vì đã lỡ đam mê.

Làm gì cho bóng đá nữ? Câu hỏi đó đã đặt ra suốt 2 thập niên qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Thậm chí, ngay chính người đang đứng đầu VFF còn bế tắc thừa nhận: “Đây là hoàn cảnh buộc phải chấp nhận…”. Cho đến thời điểm này, những gì VFF sẽ đầu tư cho bóng đá nữ đó là kiếm tiền để đội tuyển quốc gia đi tập huấn nước ngoài nhằm phục vụ cho giấc mơ World Cup. Điều đó, đâu có làm thay đổi được những thiệt thòi của họ.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục