Thống kê từ xét nghiệm ion đồ của 200 nữ bệnh nhân trong độ tuổi 25- 35 gõ cửa phòng khám vì chóng mặt cho thấy kết quả bất ngờ: 80% trong số đó có lượng khoáng tố Natri trong máu rất thấp! Phần lớn đồng thời cũng có huyết áp không hơn 90/60. Khi điều nghiên “phạm trường” mới vỡ lẽ là nhiều cô ăn rất lạt, dù chưa bị cao huyết áp, nhưng sợ bệnh thì ít, sợ mập thì nhiều nên quyết định cử muối cho chắc ăn. Hậu quả là đẹp đâu chưa thấy nhưng xanh mét, choáng váng, khó tập trung thị lực vì tụt… huyết áp!
Bỏ qua một bên chuyện khẩu vị, không nói chi đến chuyện sợ xấu, nếu chỉ xét về cơ sở khoa học thì biện pháp ăn quá lạt để ngừa bệnh tim mạch đã từ nhiều năm không còn đứng vững sau khi chuyên gia về bệnh lý hệ tuần hoàn chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây là:
* Người nén lòng ăn quá lạt ngay từ khi còn trẻ cũng không phòng ngừa bệnh tim mạch được bao nhiêu nếu so sánh với người hiểu cách nêm muối vừa phải;
* Chế độ dinh dưỡng gọi là ăn lạt tuyệt đối không giúp ích cho người đang được điều trị cao huyết áp, suy tim... Trái lại, nếu “đúng thầy, đúng thuốc” thì người bệnh vẫn có thể yên tâm nêm thêm chút muối cho đời bớt tẻ nhạt;
* Người sau cơn nhồi máu cơ tim nếu có chút muối trong khẩu phần lại dễ hồi phục và ít bị tái phát hơn bạn đồng môn bị bắt ăn lạt;
* Số người chưa hẳn cao niên có dấu hiệu dọn đường bệnh “quên ráo” Alzheimer thuộc nhóm có chế độ dinh dưỡng kiêng muối lúc còn trẻ cao gấp 3 lần số đối tượng thuộc nhóm “không mặn không về”;
* Tỷ lệ điều trị bệnh trầm uất được cải thiện thấy rõ khi tăng lượng muối ăn trong khẩu phần của người gặp chuyện gì cũng buồn.
Các dẫn chứng kể trên hoàn toàn thuận lý. Nếu Natri là nhân tố giữ vai trò quyết định trong dẫn truyền thần kinh và biến dưỡng tế bào thì không lạ gì nếu nhiều bệnh chứng nghiêm trọng thành hình chỉ vì khẩu phần thiếu muối ăn. Thực trạng đó càng đáng được lưu tâm hơn nữa ở xứ mình, nơi người dân khó tránh đổ mồ hôi vì khí hậu oi bức. Ăn mặn, nói đúng hơn, ăn cho đủ muối trong bữa cơm, nếu có hại cho sức khỏe là vì nhiều người vô tình tiếp tay tăng lượng muối ăn thu nhập qua thói quen không uống nước cho đủ trong và sau bữa ăn. Đừng mang muối vào cơ thể mà quên đổ nước pha loãng rồi sau đó đổ tội một cách oan uổng cho món ăn mặn mòi.
Nếu chuyện gì cũng nên ở mức trung dung thì ăn mặn cũng vậy. Tất nhiên không nên ăn quá mặn làm chi. Nhưng nếu đến cá còn ươn vì không ăn muối thì người khỏe sao nổi nếu cơ thể thiếu muối triền miên. Nếu thậm chí đến vẻ đẹp kiêu sa còn phải nhường ít bước cho nét đẹp “mặn mà” thì món ăn cũng thế. Tất nhiên không nhất thiết lúc nào cũng phải “thêm mắm dặm muối”, nhưng thử hỏi sao gọi là hợp lý nếu người ăn lạt để bảo vệ sức khỏe lại nuốt không trôi món ăn vì khử... muối?!
Chuyện vẫn chưa xong. Nên nhớ là chuyên gia bệnh nội tiết ở Đại học Hamburg, Đức, đã chứng minh hẳn hoi là người chơi thể dục thể thao nhưng ăn quá lạt lại thêm huyết áp thấp là ứng viên hàng đầu của hội chứng mãn kinh quá sớm. Đẹp gì nổi nếu chưa nửa đời đã được người kính cẩn thưa … cụ?!
GÓC TƯ VẤN CỦA BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG