Theo phân chia suất của FIFA, trong 8 đội dự vòng chung kết châu Á sẽ có 5 đội xếp trên được tham dự World Cup 2019 tại Pháp. Dù tính về trình độ thì tuyển Việt Nam có khả năng tranh một vé vớt (vé thứ 5) nhưng khi kết quả bốc thăm được công bố thì mọi thứ dường như khép lại.
8 đội dự vòng chung kết giải Vô địch nữ châu Á được chia thành 2 bảng. Bảng A gồm chủ nhà Jordan, Trung Quốc, Thái Lan và Philippines; bảng B gồm đương kim vô địch Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Việt Nam. Chỉ nhìn vào 2 bảng đấu cũng thấy có sự chênh nhau rất lớn về trình độ.
Bảng A với chủ nhà Jordan với trình độ chỉ tầm tầm tuyển Việt Nam; Philippines thì thấp hơn hẳn, chỉ có Thái Lan và Trung Quốc là nhỉnh hơn một chút nhưng không phải quá cách biệt. Có thể nói đây là bảng đấu nhẹ nhất với các đội không quá mạnh. Trong khi đó, bảng B được xem là bảng “tử thần” với Nhật Bản là đương kim vô địch, Australia xếp hạng 6 thế giới theo bảng xếp hạng FIFA, Hàn Quốc mạnh không thua kém Nhật Bản, chỉ có Việt Nam như lọt thỏm giữa các đàn chị vượt hẳn mình.
Sở dĩ có sự chênh nhau quá lớn giữa 2 bảng là do cách bắt cặp để bốc thăm chưa mấy hợp lý. Jordan với tư cách chủ nhà nên được xếp nhóm hạt giống số 1 cùng Nhật Bản; Việt Nam chưa có thành tích gì ở giải châu Á nên xếp nhóm cuối cùng với Philippines, trong khi trình độ giữa 2 đội ở 2 nhóm này là khác xa nhau. Chính cách bố trí này khiến cho các lá thăm may rủi đưa những đội mạnh vào một bảng và bảng còn lại thì “dễ thở” hơn nhiều.
Đồng thời, khi kết quả bốc thăm đã xong, người ta nghi ngờ liệu có sự ưu ái nào với chủ nhà Jordan hay không, khi các đội còn lại trong bảng đều “dưới cơ” các đội của bảng bên kia. Trong khi bảng B là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đội từng nhiều lần dự World Cup thì bảng A lại quá nhẹ cho chủ nhà khi họ chỉ phải tiếp những đội chỉ ở tầm trung châu lục mà thôi.
Bốn năm trước, tuyển nữ Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn được dự World Cup khi chỉ cách đó một trận tranh vé vớt. Khi đó, ai cũng đặt niềm tin vào các cô gái khi mọi yếu tố đều đứng về tuyển Việt Nam: thi đấu trên sân nhà, đối thủ là Thái Lan khá ngang nhau, có lực lượng mạnh nhất vào thời điểm đó. Thế nhưng mọi thứ đều vuột mất khi họ đã để thua trận và nhìn Thái Lan lấy suất ngay trên sân nhà.
Bốn năm sau, tuyển Việt Nam tiếp tục có cơ hội, nhưng lần này là quá mong manh. Với thực lực bảng B, Việt Nam không thể nào cạnh tranh được vị trí thứ ba để tranh vé vớt, bởi 3 đội còn lại có trình độ cao hơn hẳn. Trong khi đó, Thái Lan một lần nữa tràn trề hy vọng dự World Cup lần tiếp theo khi họ thậm chí có thể đứng nhì bảng để trở thành 4 đội trực tiếp được dự vòng chung kết thế giới mà không phải tranh vé vớt như lần trước.
Dù sao thì nằm trong bảng đấu toàn những đội mạnh thế giới như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, một lần nữa các cô gái Việt Nam có được cơ hội học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu. Hy vọng đây là cơ hội tích lũy thứ hai để 4 năm tới, các cô gái Việt Nam nâng cao hơn trình độ, để có thể tự quyết chiếc vé ở các giải đấu cao hơn, chứ không phải chờ vào những lá thăm may rủi nữa.