Thế thao Việt Nam phải thay đổi ở năm 2024

Công tác chuyên môn của thể thao Việt Nam sẽ có sự thay đổi ở năm 2024 bởi đây là năm quan trọng chuẩn bị nhiều kế hoạch từ đó làm điểm tựa hướng đến các đấu trường năm 2025 và năm 2026.

Thể thao Việt Nam bắt đầu hành trình mới trong sự chuẩn bị chuyên môn ở năm 2024. Ảnh: CỤC TDTT
Thể thao Việt Nam bắt đầu hành trình mới trong sự chuẩn bị chuyên môn ở năm 2024. Ảnh: CỤC TDTT

Hôm nay 1-1-2024, các đội tuyển thể thao quốc gia chính thức bước vào chu kỳ tập luyện của năm mới theo từng nhiệm vụ chuyên môn. Tại ngày đầu tiên của năm 2024, nhiều đội tuyển vẫn tập duy trì thể lực, chuyên môn theo giáo áo tại các Trung tâm HLTTQG ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ chứ không nghỉ ngơi.

Mục tiêu mà Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cùng đại diện các Phòng thể thao chuyên môn 1, 2 (Cục TDTT) đặt ra về công tác nhiệm vụ năm 2024 là sớm thay đổi triệt để từ sự chuẩn bị cho tới thành tích trong thể thao thành tích cao của Việt Nam. Ở đó, chúng ta đang kỳ vọng xây dựng và thực hiện được tốt nhất các kế hoạch đầu tư dài hạn cho thể thao thành tích cao nói chung giúp nâng tầm vị thế tại đấu trường ASIAD (châu Á), Olympic (thế giới).

Năm 2023, thể thao Viẹt Nam đã thực hiện tập huấn 2.151 lượt VĐV, 490 lượt HLV, 19 chuyên gia và 25 y, bác sỹ (trong đó đội tuyển trẻ với 882 VĐV, 220 HLV, 3 chuyên gia). Chúng ta đã thi đấu hai đấu trường lớn của năm 2023 là SEA Games 32 và ASIAD 19.

Năm 2024 thể thao Việt Nam hướng tới hiện thực mục tiêu sát sườn là kết quả về số suất chính thức được dự Olympic Paris (Pháp) 2024 như chỉ tiêu đề ra giành từ 12 tới 15 suất. Dẫu thế, chỉ một con số cụ thể hay một năm cụ thể là chưa thể sớm thay đổi. Do vậy, Cục TDTT đã đề ra việc tổ chức thực hiện nâng tầm hơn thể thao thành tích cao theo 2 giai đoạn với giai đoạn 1 từ năm 2024 tới năm 2026 (nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo chuẩn bị lực lượng dự Olympic năm 2024; SEA Games năm 2025; ASIAD năm 2026. Đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa cơ sở vật chất-kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phụ vụ công tác này cũng như cử VĐV thi đấu các giải thành tích cao) và giai đoạn 2 từ năm 2027 tới năm 2030 (nhiệm vụ: tiếp tục triển khai kế hoạch tập huấn, thi đấu trong nước quốc tế. Chuẩn bị lực lượng dự các kỳ Olympic năm 2028; SEA Games năm 2027 và 2029; ASIAD năm 2030).

Sự khởi đầu là từ năm 2024 này. Đưa phân tích của mình tại Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 diễn ra cuối tháng 12-2023, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng “ngành thể thao xây dựng các nhóm giải pháp trước mắt, ngắn hạn cùng nhóm giải pháp dài hạn để chuẩn bị chuyên môn, lực lượng cho các mục tiêu thành tích đề ra”. Theo lãnh đạo ngành, chúng ta sẽ có sự đầu tư trọng tâm trọng điểm với 30 tuyển thủ quan trọng nhất (được dự báo chuyên môn có khả năng tranh suất Olympic) để cử tập huấn, thi đấu quốc tế. Một số môn thể thao gồm điền kinh, bơi, cầu lông, TDDC, cử tạ, đấu kiếm, bắn súng, xe đạp, boxing (quyền Anh), taekwondo, bắn cung, đua thuyền... là nơi đề xuất con người quan trọng của mình để Cục TDTT xây dựng, thực hiện đầu tư 30 con người trong năm 2024.

Ghi nhận thực tế, tất cả ban huấn luyện các đội tuyển thể thao quốc gia hiểu rằng sự thay đổi nhằm nâng tầm hơn thành tích chuyên môn thể thao thành tích cao phụ thuộc theo nguồn lực, thời gian thực hiện nhưng trên hết tất cả kỳ vọng chế độ về lương, dinh dưỡng, y tế thuốc men, sự đầu tư cơ sở vật chất.. phải triệt để. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu Cục TDTT phải xây dựng mục tiêu cụ thể về chuyên môn và đích nhắm đầu tư với đấu trường thể thao chúng ta hướng tới (SEA Games, ASIAD, Olympic). Việc đầu tư không được phép dàn trải. Nhưng thực hiện dàn trải có tập trung hay tập trung trọng điểm vẫn là điều mà nhà quản lý thể thao chưa thể dứt điểm.

Bài tiếp: Liên đoàn, Hiệp hội thể thao sẽ đảm bảo thêm thành công chuyên môn

Tin cùng chuyên mục