Để khắc phục các "vết đen", những người làm công tác chuyên môn thể thao Việt Nam quyết tâm xây dựng lại hình ảnh tập luyện và thi đấu khách quan, trong sạch, công bằng. Công tác triển khai phòng chống doping trong hoạt động TDTT tại Việt Nam cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của thể thao Việt Nam, nhất là thể thao thành tích cao, cũng như tại các giải thể thao. VĐV cần được bảo vệ bằng các biện pháp phù hợp, cụ thể và có kế hoạch kiểm tra doping thường xuyên, đảm bảo tính công bằng cho thành tích của tất cả tuyển thủ, hướng tới một nền thể thao trong sạch, không doping. Để làm được điều đó, Bộ VH-TT-DL đang dự thảo Thông tư quy định về phòng chống doping trong hoạt động thể thao và lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 13-2-2024, với 6 chương, 25 điều. Các nội dung của dự thảo gồm: Giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping; Kiểm tra doping; Quản lý kết quả; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng chống doping. Một trong các nguyên tắc phòng chống doping trong hoạt động thể thao được nêu tại dự thảo là: Hoạt động phòng chống doping cần được tổ chức thường xuyên. Đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng chống doping trong hoạt động thể thao.
Dự thảo còn quy định miễn trừ do điều trị cho VĐV. Theo đó, VĐV có hồ sơ bệnh án bắt buộc sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm để điều trị cần được cấp phép miễn trừ do điều trị theo quy định của Tổ chức Phòng chống doping quốc gia và Tiêu chuẩn quốc tế về miễn trừ do điều trị. VĐV không vi phạm Luật Phòng chống doping khi các chất cấm hoặc phương pháp cấm bị phát hiện trong mẫu thử hoặc sở hữu nếu họ có đơn miễn trừ do điều trị phù hợp cho phép sử dụng chất cấm hoặc phương pháp cấm như yêu cầu.
Theo dự thảo, việc xử lý vi phạm với trường hợp dính doping cũng được nêu cụ thể. Thông tư quy định Cục TDTT có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng chống doping trong hoạt động thể thao; chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng chống doping trong hoạt động thể thao...
Thể thao Việt Nam luôn nói không với doping và đây là điều luôn được kiểm tra kỹ lưỡng trong các đội tuyển thể thao quốc gia ở mọi cấp độ. Thời gian qua, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục ý thức và nhận biết, phòng chống doping trong các đội tuyển thể thao quốc gia. Đáng chú ý, cán bộ của trung tâm đã kết hợp với ban tổ chức các giải thể thao vô địch quốc gia ở năm 2023 để thực hiện các chương trình về phòng chống doping và có thực hiện lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên đối với VĐV.
Trong quá khứ, câu chuyện VĐV dùng doping trong vô thức từng xuất hiện với thể thao Việt Nam. Không ít VĐV nhận án phạt nặng do liên quan đến doping như: Hoàng Hồng Anh (2 HCV môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV lặn) và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB nhảy 3 bước) tại SEA Games 22 năm 2003. Thể thao Việt Nam lại gặp sự cố đáng tiếc ở SEA Games 31 trên sân nhà khi 5 VĐV điền kinh đã có mẫu thử cho kết quả dương tính doping. Cả 5 VĐV trên đã nhận án cấm thi đấu và các án cấm đã kết thúc từ ngày 18-11-2023. Bê bối doping giai đoạn 2018-2019 của cử tạ Việt Nam không chỉ khiến Trịnh Văn Vinh và nhiều đô cử khác phải nhận án cấm thi đấu dài hạn. Cơ quan Phòng chống doping quốc tế (WADA) và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) từng xem xét đến trường hợp cấm cử tạ Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020. Nhưng cuối cùng, án phạt được giảm nhẹ khi cử tạ Việt Nam chỉ mất 1 trong 3 suất tham dự chính thức.