Thay vào đó, thể thao Việt Nam đang âm thầm chuẩn bị cho một kế hoạch khác, dài hơn và đáng kỳ vọng hơn cho các đấu trường Asiad, Olympic…
Tất nhiên, vì SEA Games là sự kiện thể thao giúp gắn kết tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khối ASEAN, nên chúng ta không thể bỏ ngang hoặc từ chối tham dự, vẫn cần một sự chuẩn bị kỹ càng cho các đội tuyển để bước vào cuộc tranh tài với các đồng nghiệp trong khu vực. Tức là thể thao Việt Nam cứ phải chuẩn bị một cách rất… hợp lý cho đấu trường mà bây giờ chỉ còn phù hợp cho các VĐV trẻ tranh đoạt thành tích, rèn luyện để tiến xa hơn khi đến với những giải đấu đẳng cấp châu Á, hàng đầu thế giới.
SEA Games hiện giờ chỉ có thể xem là bước đệm cho đấu trường lớn hơn như ASIAD, Olympic… Ảnh: HUY THẮNG
Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong suốt gần 3 thập niên qua, đặc biệt tự hào với chiến tích HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016. Đấy là cơ sở để những nhà quản lý ngành tính đến một cuộc đầu tư lớn và toàn diện không chỉ cho bắn súng, mà cho cả những môn đã phát triển cực mạnh thời gian gần đây như bơi lội, điền kinh, xe đạp, bóng rổ, bóng chuyền, đua thuyền… đều nằm trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic.
SEA Games bỗng trở thành một sân chơi đúng chất “tập huấn” cho Asiad, Olympic. Điều đáng chú ý khác là khi Ủy ban Olympic quốc tế chính thức công nhận VĐV đạt chuẩn Olympic tại kỳ SEA Games gần nhất (diễn ra trước thời điểm khởi tranh Olympic 1 năm) thì hầu hết các quốc gia trong khu vực buộc phải đầu tư mạnh cho VĐV của mình. Đấu trường này vì thế cũng đã được nâng cấp theo thời gian, bắt đầu giàu tính cạnh tranh ở những môn quan trọng như bơi lội, điền kinh, bóng đá, cầu lông, võ thuật, bắn súng… Giới làm nghề nói vui, SEA Games có thể coi như một đợt tập huấn cao cấp và khá tốn kém dành cho VĐV Đông Nam Á.
Đồng ý rằng, gánh nặng tài chính đối với các quốc gia trong khu vực khi tổ chức một kỳ SEA Games là khá lớn, trong khi nguồn thu về từ sự kiện này không nhiều. Thế nhưng, vì trách nhiệm với cộng đồng ASEAN đang nỗ lực vận động và phát triển cùng thế giới, đến phiên của quốc gia mình thì phải nhận, trừ những nước quá khó khăn về kinh tế và hệ thống cơ sở vật chất như Campuchia, Đông Timor.