Trưởng bộ môn boxing bất ngờ bỏ việc
Theo thông tin từ phía Sở VH-TT TPHCM, ông Phạm Thanh Hải (Trưởng bộ môn boxing) đã vắng mặt từ nhiều tháng nay, không tham gia điều hành các hoạt động của bộ môn tại Nhà tập luyện Phú Thọ (nơi được giao quản lý bộ môn này). Râm ran lời đồn về việc ông Hải nợ nần ngoài xã hội khá nhiều mà không có khả năng chi trả, dẫn đến chểnh mảng công tác chuyên môn, bỏ bê huấn luyện và đào tạo VĐV boxing cho thành phố.
Thậm chí, lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM còn nhận được thông tin khẳng định rằng ông Hải trong vai trò Trưởng đoàn đã tạm ứng tiền đưa 1 HLV và 4 VĐV tuyến Dự tuyển đi tập huấn tại Thái Lan từ ngày 12-3-2019 đến ngày 10-4-2019, nhưng rốt cuộc... bỏ trốn và đem theo khoản tiền 12.664 USD (tương đương khoảng 304 triệu đồng), trong khi các VĐV chờ dài cổ vẫn không được đi tập huấn nước ngoài (!?).
Nêu vấn đề này lên, một quan chức của Sở VH-TT TPHCM cho biết đơn vị (tức NTL Phú Thọ) đã báo cáo chuyện này và cho hướng xử lý, bởi lẽ vị Trưởng bộ môn boxing của thành phố từng nhiều lần gây nên điều tiếng không tốt, có dính dáng đến chuyện vay nóng ngoài xã hội và thậm chí từng bị giới giang hồ tấn công…
Theo vị này, “Sở VH-TT TPHCM đã yêu cầu đơn vị tường trình lại toàn bộ sự việc, đồng thời đề xuất luôn hướng xử lý vì viên chức này trực thuộc cơ sở (tức NTL Phú Thọ). Hàng năm, Sở VH-TT sẽ chuyển kinh phí tập huấn, đào tạo và thi đấu về các đơn vị sự nghiệp sau khi thông qua kế hoạch bộ môn. Nên khi có kế hoạch tập huấn hoặc thi đấu, bộ môn sẽ trình lên đơn vị quản lý và Sở VH-TT sẽ ra quyết định căn cứ theo đề xuất. Nguồn tiền nếu không chuyển khoản thì sẽ do Trưởng đoàn tạm ứng cầm theo”.
Theo quy định, Sở VH-TT TPHCM sẽ căn cứ vào luật viên chức, nếu nghỉ quá thời hạn quy định sẽ ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Ở trường hợp của ông Phạm Thanh Hải, Sở VH-TT TPHCM còn yêu cầu đơn vị quản lý trực tiếp (NTL Phú Thọ) phải truy thu lại khoản tiền hơn 300 triệu đồng mà ông Hải đã tạm ứng, nếu không sẽ gặp rắc rối về pháp luật. “Hiện NTL Phú Thọ đã có đề xuất về người sẽ giữ vị trí Trưởng bộ môn boxing của TPHCM, nhưng về khoản tiền tạm ứng thì đơn vị vẫn đang phối hợp để thu hồi”, vị quan chức kể trên cho biết thêm.
Vài tháng nay, Trưởng bộ môn judo TPHCM là võ sư Nguyễn Quốc Trung phải kiêm nhiệm thêm công tác điều hành… môn boxing trong khi chờ Sở VH-TT TPHCM cũng như Ban chủ nhiệm NTL Phú Thọ tìm ra người thay thế. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của bộ môn judo, bởi lẽ cả hai môn này đều nằm trong nhóm trọng điểm của ngành, rất giàu tiềm năng thành tích nên cần có sự chủ động và hoạt động độc lập.
Liên lạc với ông Trần Duy Khâm (Chủ nhiệm NTL Phú Thọ) thì được giải thích ngắn gọn: “Chúng tôi đang giải quyết. Nói chung, mọi chuyện ổn rồi. Anh Hải đã trả lại tiền và hiện tại đơn vị đang tìm người thay thế”.
Nhưng ổn đâu chưa thấy, chỉ biết rằng đến hiện tại, theo nhiều viên chức đang làm việc ở Sở VH-TT TPHCM, vẫn chưa ai có thể liên lạc được với ông Phạm Thanh Hải và cũng chẳng biết được vị Trưởng bộ môn boxing này đang ở đâu và đã trả lại khoản tiền hay chưa?
Ở giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng 2019, hai đội tuyển bóng bàn nam và nữ TPHCM đã mời 3 ngoại binh Trung Quốc (1 VĐV nam và 2 VĐV nữ) về thi đấu. Màn trình diễn của cả ba tay vợt này khá tốt, giúp đội nữ đoạt HCV nội dung đơn nhờ công của Sun Chen (tay vợt đang thuộc đội tuyển B của Trung Quốc).
Nhưng, điều mà giới làm nghề thắc mắc chính là vì sao bóng bàn TPHCM lại sử dụng nguồn nhân lực một cách lãng phí như thế chỉ để tìm kiếm thành tích ở một giải đấu giàu tính chất giao hữu quốc tế. Trong khi các ngoại binh Sun Chen, Liu Ying (đội nữ) và Ma Jinbao (đội nam) gồng hết sức thi đấu cho TPHCM, chí ít cũng vào đến bán kết và thậm chí còn vô địch, thì các tay vợt Mỹ Trang, Diệu Khánh, Yến Nhi, Anh Thư… được ngồi thư giãn trên khán đài. Vô tình, giải Cây vợt vàng lại trở thành nơi… tập huấn cho các tay vợt Trung Quốc, chứ không phải tạo thêm cơ hội cho các tay vợt Việt Nam (đặc biệt là VĐV trẻ) được thi đấu để rèn luyện tay nghề, nâng cao bản lĩnh trận mạc.
Chưa hết, người trong giới bóng bàn thắc mắc vì sao tay vợt Trần Nguyễn Thanh Trúc vốn đang thuộc biên chế của bóng bàn TPHCM nhưng lại khoác áo thi đấu cho đơn vị… Tiền Giang ở giải Cây vợt vàng, dù cách đó chừng 3 tháng cô vẫn đang khoác áo TPHCM đấu giải toàn quốc? Ngoài ra, nhiều HLV cũng cho biết họ khó hiểu với việc HLV Nguyễn Minh Hồng Hạnh (thuộc tuyến Năng khiếu Dự bị tập trung của bóng bàn TPHCM) lại khoác áo đội… Đồng Nai để thi đấu tại giải bóng bàn toàn quốc.
Theo giới làm nghề, có sẵn nguồn nhân lực tốt mà không sử dụng hợp lý, lại đem cho mượn, đồng thời phải đi thuê mướn VĐV nước ngoài về (tốn khá nhiều kinh phí) với mục tiêu tranh đoạt thành tích, thì năng lực quản lý của người đứng đầu bộ môn đang thực sự “có vấn đề”, cần được Sở VH-TT TPHCM nghiêm túc đánh giá và xử lý.
Taekwondo và nghi án tiêu cực Bộ môn taekwondo TPHCM từng dính vào nghi án tiêu cực tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, khi nhiều HLV và VĐV tố cáo rằng lãnh đạo bộ môn (tức ông Nguyễn Thanh Huy) đã cố tình “bán” VĐV do mình đào tạo tốn nhiều kinh phí để thi đấu cho địa phương khác. Danh sách VĐV taekwondo của TPHCM khi đó có đến 17 VĐV (9 VĐV biểu diễn quyền) được cho mượn để thi đấu cho 3 đoàn Cà Mau, Bình Phước, Quân đội tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Tính nhẩm chỉ trong năm 2014, TPHCM phải chi ra khoảng 2 tỷ đồng để đào tạo 17 VĐV này (tiền ăn và tiền công tập luyện). Sự việc tưởng đã được bịt kín nhưng rốt cuộc bị phanh phui vì TPHCM chỉ giành được 1 HCV biểu diễn quyền và xếp thứ 5 chung cuộc, trong khi VĐV của TPHCM đi thi đấu cho địa phương khác lại giành kết quả cao hơn. |