Thể thao TPHCM: Khát vọng trở lại ngôi đầu

Nghị quyết của HĐND TPHCM phê duyệt ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa được kỳ vọng thu hút các nguồn lực đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo vận động viên (VĐV) tài năng, cũng như tổ chức các giải đấu quốc tế tại TPHCM.

Giữa năm 2022, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp đại diện 2 CLB bóng đá thành phố khi đó là Sài Gòn FC và CLB TPHCM. Dù chỉ là cuộc gặp mang tính chất động viên và lắng nghe những khó khăn mà 2 đội bóng đang gặp phải trong quá trình làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng qua đó cho thấy lãnh đạo TPHCM rất quan tâm đến sự phát triển của thể thao đỉnh cao, mà bóng đá là điển hình.

Ở buổi gặp, Bí thư Nên ghi nhận mong muốn của lãnh đội lẫn cầu thủ có được sân tập riêng, đúng tiêu chuẩn chuyên nghiệp; dù các doanh nghiệp bảo trợ cho bóng đá thành phố đã có kế hoạch đầu tư thì vẫn vướng các quy định trong hợp tác công - tư ở lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Tâm tư của người làm bóng đá cũng là tâm tư chung của những người làm thể thao tại TPHCM. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tài năng, cải tiến phương pháp huấn luyện, áp dụng công nghệ vào thi đấu, thì “bài toán” về những cơ sở vật chất phục vụ cho luyện tập của VĐV đỉnh cao là thành tố không thể thiếu đối với một nền thể thao hàng đầu.

a6c-557.jpg
Các VĐV thi đấu tại giải điền kinh TPHCM mở rộng năm 2023. Ảnh: P.MINH

Thành phố vẫn đang “khát” các công trình xứng tầm. Thành phố chưa có một khu liên hợp thể thao phù hợp với một đại đô thị hơn 10 triệu dân, nơi sẽ có sân vận động có sức chứa 50.000 chỗ ngồi trở lên, đường chạy điền kinh hiện đại, cụm sân quần vợt đủ tiêu chuẩn đăng cai ATP Tours…

Trong khi Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc vốn đã lên bản vẽ từ gần 30 năm trước nhưng vẫn chưa được triển khai do vướng mắc ở khâu đền bù. Thành phố cũng chưa thể có trường đua để thay thế công trình lịch sử trường đua Phú Thọ, khiến thiếu vắng một loại hình giải trí mang tính đại chúng. Sau hồ bơi Phú Thọ, đến nay cũng chưa có thêm các hồ bơi tiêu chuẩn quốc tế, dù bơi lội là môn thể thao rất gần gũi, thiết thực với cư dân đô thị.

Mặc dù thành phố đã có quy hoạch đất hoặc đang có các công trình thể thao tọa lạc các vị trí đẹp, gắn kết với đời sống, sinh hoạt cư dân đô thị, nhưng khi triển khai xây mới lại vướng ở nhiều khâu, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư và việc hợp tác thông qua xã hội hóa. Tiêu biểu như nhà thi đấu Phan Đình Phùng, kể từ khi phá bỏ đến nay đã gần 10 năm vẫn là bãi đất trống vì vướng mắc trong cơ chế hợp tác công - tư.

Nghị quyết 98/2013/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ mở ra cho thành phố nhiều quyền chủ động hơn, là điều kiện thuận lợi để thành phố đầu tư mạnh cho thể thao. Danh mục các dự án tiềm năng đã được HĐND TPHCM phê duyệt để thu hút đầu tư, được kỳ vọng như những đường băng cho thể thao TPHCM cất cánh.

a6a-8366.jpg
Nguyễn Văn Khánh Phong là VĐV tiềm năng ở môn thể dục dụng cụ TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thực tế cho thấy, tiềm lực thể thao thành phố vẫn còn rất nhiều. Trong bối cảnh khó khăn chung về cơ sở vật chất, nhưng tại SEA Games 32 hồi giữa năm 2023, thể thao thành phố đã thi đấu cực kỳ thành công. Trong tổng số hơn 700 VĐV đoàn thể thao Việt Nam, TPHCM đóng góp số lượng khiêm tốn với chỉ 119 VĐV, tranh tài 27/36 môn thể thao, cùng chỉ tiêu đăng ký phấn đấu giành 18-20 HCV.

Kết thúc SEA Games 32, thể thao TPHCM tự hào với thành quả 31 HCV, 24 HCB và 20 HCĐ trong tổng số 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ của đoàn thể thao Việt Nam. Dù đã không còn giữ được vị thế đứng đầu, nhưng qua kỳ SEA Games gần nhất, thể thao thành phố cho thấy hoàn toàn có thể tìm lại vị thế là một trong những trung tâm hàng đầu của thể thao, cả nước.

Tiếp sức cho khát vọng ấy chính là quyết tâm của lãnh đạo thành phố với việc ban hành Nghị quyết 05 của HĐND TPHCM về chế độ dinh dưỡng, khen thưởng cho HLV và VĐV từ tháng 4-2022.

Đời sống VĐV được cải thiện, truyền thống vẻ vang được khôi phục, đã đến lúc thể thao TPHCM phải nghĩ đến chuyện vươn tầm cả về “lượng” thành tích đóng góp cho quốc gia và “chất” là những công trình lớn, tầm cỡ để tính đến chuyện đăng cai các sự kiện châu Á, thế giới, cũng như tạo ra lợi thế “sân nhà” cho những VĐV tài năng của mình. Và với những quyết sách mạnh mẽ từ chính quyền, kỳ vọng năm 2024 sẽ có những bước đột phá từ chính người làm thể thao.

Tin cùng chuyên mục