> Thể thao Việt Nam tìm môn phù hợp hay tìm cách đầu tư hiệu quả
Các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao ở đâu
Thể thao Việt Nam không giành được huy chương Olympic Paris (Pháp) 2024. Tại kỳ Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, chúng ta cũng không đạt được huy chương.
Tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, thể thao Việt Nam đã tranh tài ở 11 môn thể thao mà trong đó chỉ có các môn đã thành lập Liên đoàn, Hiệp hội thể thao gồm bơi, điền kinh, cầu lông, boxing, TDDC, judo, rowing, bắn súng, taekwondo, cử tạ. Môn duy nhất chưa có Liên đoàn, Hiệp hội thể thao mà chúng ta góp mặt tại Nhật Bản khi đó là bắn cung.
Tới kỳ Olympic Paris (Pháp) 2024 này, thể thao Việt Nam tiếp tục góp mặt ở 11 môn thể thao với 16 tuyển thủ. Các môn thể thao có Liên đoàn, Hiệp hội thể thao trong 11 môn thể thao mà tuyển thủ Việt Nam góp mặt ở Paris gồm xe đạp, cầu lông, bắn súng, cử tạ, bơi, điền kinh, rowing, canoeing, judo, boxing. Môn bắn cung vẫn chưa có Liên đoàn, Hiệp hội thể thao.
Số liệu để thấy, các môn đã có Liên đoàn, Hiệp hội thể thao hoàn toàn đủ cơ hội kêu gọi nguồn lực xã hội hóa chung tay đầu tư vào đào tạo, huấn luyện và cử tập huấn thi đấu. Thực tế, nguồn kinh phí dành cho tuyển thủ thực hiện các chương trình tập huấn, tập luyện, thi đấu vẫn từ ngân sách nhà nước và Cục TDTT là đơn vị thay mặt thực hiện phân bổ, chi trả. Chỉ một bài toán đơn giản, chuyên gia bắn súng Park Chung-gun hay chuyên gia Hariawan Hong (cầu lông), chuyên gia Park Chae Soon (bắn cung) đang tham gia huấn luyện các tuyển thủ, các khoản phí về lương, chế độ của họ đều do ngành thể thao trả chứ không phải nguồn quỹ của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao.
Trong hơn 40 Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao đã được thành lập tại Việt Nam, rất ít Liên đoàn xây dựng được nguồn lực tài chính mạnh để từ đó đủ lực làm về chuyên môn. Thực tế lúc này, số đông các môn thể thao thành tích cao của nhóm ASIAD, Olympic không nhận được sự đầu tư nhiều từ Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của mình.
Nguồn lực vừa phải nên cần đầu tư trọng điểm
Ngành thể thao đã xác định tùy thuộc từng đối tượng, từng nhóm VĐV của từng môn từ đó tìm địa bàn để đào tạo. “Đối với VĐV có khả năng giành được HCV ASIAD 20 và đạt chuẩn dự Olympic năm 2028 thì việc đào tạo dài hạn ở nước ngoài sẽ được thực hiện với điểm chủ yếu ở Mỹ và các quốc gia châu Âu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh thành tích khi thi đấu với các VĐV của châu Á...”, một trong những vấn đề được đưa ra khi ngành thể thao định hướng về công tác đào tạo VĐV.
Ở quan điểm đưa ra về giải pháp thực hiện nhằm phát triển thể thao thành tích cao hướng tới năm 2030 đã được trình bày ở Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 vào tháng 12-2023, Cục TDTT xác định sẽ tổ chức thực hiện các nội dung theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 từ năm 2024 tới 2026 để xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo chuẩn bị lực lượng cũng như đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ dành cho đào tạo huấn luyện VĐV. Giai đoạn này kinh phí ước tính khoảng từ 800 tới 850 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2 sẽ từ năm 2027 tới năm 2030 với mỗi năm cần khoảng 850 tới 900 tỷ đồng/năm để tập trung vào tập huấn, thi đấu trong nước, quốc tế, chuẩn bị lực lượng cho những Đại hội quan trọng.
Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã trao đổi và cho biết sau Olympic Paris (Pháp) 2024, ngành thể thao sẽ có phân tích để có một cách thực hiện trọng tâm hơn nữa và những môn và nội dung mà chúng ta hướng tới mục tiêu cao ở tương lai.
Thể thao Việt Nam không có huy chương ở 2 kỳ Olympic liên tiếp. Vì thế, trách nhiệm của nhà quản lý Tổng cục TDTT (trước đây) và Cục TDTT (hiện tại) cũng phải làm rõ ở từng giai đoạn để nhìn thấy việc đầu tư cho thể thao thành tích cao cần phải thay đổi cụ thể như thế nào.
Năm 2022, ngân sách chi cho lĩnh vực hoạt động thể thao là hơn 1,242 tỷ đồng. Năm 2023, ngân sách mà lĩnh vực hoạt động thể thao được cấp để làm các nhiệm vụ là khoảng 893,345 tỷ đồng. Năm 2024, dự toán ngân sách dành cho lĩnh vực hoạt động thể thao được cấp là hởn 826,720 tỷ đồng.