Thể thao Đông Nam Á hướng đến Olympic London 2012: Vùng trũng đang mơ…

Thái Lan và Indonesia là 2 quốc gia vùng Đông Nam Á giành được HCV tại Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng như thế vẫn chưa đủ để giúp thể thao “vùng trũng” đóng góp đại diện trong Top 30 quốc gia phát triển. Đến với London 2012, vùng Đông Nam Á vẫn dựa nhiều vào “lá cờ đầu” Thái Lan, đồng thời kỳ vọng vào sự đột biến từ phía Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Singapore…
Thể thao Đông Nam Á hướng đến Olympic London 2012: Vùng trũng đang mơ…

Thái Lan và Indonesia là 2 quốc gia vùng Đông Nam Á giành được HCV tại Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng như thế vẫn chưa đủ để giúp thể thao “vùng trũng” đóng góp đại diện trong Top 30 quốc gia phát triển. Đến với London 2012, vùng Đông Nam Á vẫn dựa nhiều vào “lá cờ đầu” Thái Lan, đồng thời kỳ vọng vào sự đột biến từ phía Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Singapore…

Vẫn là những môn sức mạnh?

Hai kỳ Olympic gần nhất, thể thao Đông Nam Á giành được HCV chủ yếu ở nhóm môn thiên về sức mạnh, tức là quyền Anh (hạng ruồi) và cử tạ (hạng nhẹ). Ngoài ra, duy nhất có Indonesia là nước tranh chấp HCV được ở môn vừa cần sức mạnh vừa có độ khéo như cầu lông (đơn, đôi). Hầu hết các tấm HCB, HCĐ của thể thao Đông Nam Á cũng xuất phát từ các nhóm môn kể trên. Trong khi đó, điền kinh, bơi lội và TDDC vẫn chưa có dịp “phát lộ”.

Mỗi quốc gia có thế mạnh riêng, chẳng hạn người Thái giỏi cử tạ và quyền Anh, người Indonesia và Malaysia trội ở môn cầu lông, Singapore có bóng bàn nữ, Việt Nam có cử tạ và TDDC… Tuy nhiên, “lá cờ đầu” Thái Lan vẫn được giao trọng trách cao nhất trong cuộc đua tài với bạn bè thế giới. Chính thể thao Thái Lan cũng đã đặt mục tiêu sẽ giành từ 3-4 HCV ở Olympic London 2012, vừa để trở lại với tốp 30 nước mạnh nhất (ở Olympic Athens 2004, Thái Lan xếp hạng 25), vừa giúp thể thao “vùng trũng” dễ ăn nói hơn.

TDDC Việt Nam liệu có giúp thể thao Đông Nam Á tạo cú đột phá ở Olympic London 2012? Ảnh: Chí Bảo

TDDC Việt Nam liệu có giúp thể thao Đông Nam Á tạo cú đột phá ở Olympic London 2012? Ảnh: Chí Bảo

Mà đã dựa vào Thái Lan, nghĩa là trông chờ các võ sĩ quyền Anh nam và cử tạ nữ của nước này thi đấu khởi sắc. Tương tự thế, chút kỳ vọng vào cầu lông nam Indonesia, bóng bàn nữ Singapore hay cử tạ nam Việt Nam có thể giúp thể thao Đông Nam Á về đích trong tốp 30 chung cuộc.

Đấy là giấc mơ nhưng không phải quá khó trở thành hiện thực, vì suy cho cùng, thể thao Đông Nam Á cũng có “chất” riêng của mình.

Ai sẽ đột phá?

Lần đầu tiên, thể thao Việt Nam giành nhiều suất chính thức tham dự 1 kỳ Olympic đến thế. Điều đó dĩ nhiên mang lại cho giới chức thể thao cũng như người hâm mộ Việt Nam một cảm giác kỳ vọng lớn lao. Nếu tính Thái Lan là “lá cờ đầu” của Đông Nam Á, thì Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore xứng đáng được đặt vào vị trí có thể tạo bước đột phá ở Olympic London 2012 ở những nhóm môn chưa từng đoạt được HCV.

Đội hình Feng Tianwei, Li Jiawei và Wang Yuegu của Singapore đủ sức cạnh tranh HCV với Trung Quốc ở nội dung đồng đội nữ môn bóng bàn. Tay vợt Lee Chong Wei (Malaysia) và Taufik Hydayat (Indonesia) có thể làm nên chuyện ở nội dung cá nhân nam môn cầu lông. Trong khi đó, Eko Yuli Irawan (Indonesia) và Trần Lê Quốc Toàn (Việt Nam) sẵn sàng bùng nổ ở 2 hạng cân 62kg và 56kg nam môn cử tạ. Việt Nam còn một ưu thế khác, ở môn TDDC với các gương mặt ưu tú như Phan Thị Hà Thanh (nữ), Phạm Phước Hưng (nam).

Đáng tiếc là ở 2 môn kinh điển như điền kinh và bơi lội, Đông Nam Á vẫn chưa kiếm ra được nhân tố tài năng thực sự - người có thể cạnh tranh thành tích ngang ngửa với VĐV thế giới. Ở Olympic London 2012, điền kinh Đông Nam Á có lẽ chỉ góp mặt cho vui với các đại diện đáng chú ý của Việt Nam (2 VĐV nữ), Thái Lan (1 VĐV nữ), Singapore (1 VĐV nam, 1 VĐV nữ). Môn bơi lội, “vùng trũng” có 6 đại diện nổi trội của Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, nhưng về cơ bản, khả năng tranh chấp 3 thứ hạng đầu là rất khó khăn.

Lê Quang

Tin cùng chuyên mục