Thể thao đỉnh cao TPHCM: Nhỏ không xong, lớn chưa thấy

Thời của những “chiếc nôi”
Thể thao đỉnh cao TPHCM: Nhỏ không xong, lớn chưa thấy

Thời của những “chiếc nôi”

Thời hoàng kim của thể thao đỉnh cao TPHCM luôn đi kèm với những “chiếc nôi” vốn chuyên biệt ươm mầm cho từng môn thi đấu. Ví dụ như Trung tâm Thể thao quận 4 chuyên Taekwondo và các môn võ; bóng chuyền có đại bản doanh tại NTĐ Phan Đình Phùng, bơi lội có hồ bơi Lam Sơn, bóng rổ tại Lãnh Binh Thăng (quận 11) hay CLB Tinh Võ (quận 5)…

Những “chiếc nôi” này hình thành phát triển trên nền tảng phong trào và cách làm năng động của những người làm thể thao cơ sở. Ví dụ như môn bóng rổ hình thành ở quận 11, quận 5 từ cộng đồng người Hoa. Đội tuyển bóng rổ quốc gia khi ấy hết 3/4 là VĐV gốc Hoa do môn chơi này phát triển mạnh trong cộng đồng người Hoa. Hoặc như môn bơi lội được quận 5 tập trung đào tạo từ khu vực hồ bơi Lam Sơn nổi tiếng một thời. Quận 5 cũng hình thành khá sớm CLB mô tô dựa trên nhu cầu bảo vệ các giải đua xe đạp và đến nay quận vẫn còn đều đặn tổ chức giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa bằng cách tự thân vận động. Riêng môn bóng đá nữ Việt Nam, chính ông Tư Ngữ, nguyên Giám đốc Trung tâm Thể thao quận 1 khai sinh, bắt đầu từ “chiếc nôi” là sân Kỵ Mã trong công viên Tao Đàn, để dần đưa bóng đá nữ phát triển rộng khắp cả nước.

Nhắc lại những chi tiết đó để thấy rằng phát triển thể thao đỉnh cao là một quá trình rất lâu dài, đòi hỏi tính kiên nhẫn và nỗ lực bắt đầu từ phong trào chứ không thể gượng ép bằng cách duy ý chí.

Sau khi không còn là “chiếc nôi bóng chuyền”, NTĐ Phan Đình Phùng hiện chưa biết phát huy hiệu quả ra sao. ảnh: Nguyễn Nhân

Sau khi không còn là “chiếc nôi bóng chuyền”, NTĐ Phan Đình Phùng hiện chưa biết phát huy hiệu quả ra sao. ảnh: Nguyễn Nhân

“Nôi” lớn khó hình thành

Cách đây gần 1 năm, trước tình hình thể thao đỉnh cao TPHCM sa sút mạnh, ngành thể thao thành phố đã có chủ trương tái lập những “chiếc nôi”. Bóng chuyền được giao về Phú Nhuận, Tân Bình. Phú Thọ đảm nhiệm cầu lông, võ. Sân Thống Nhất tập trung đào tạo bóng đá và điền kinh… Và đặc biệt, lãnh đạo ngành đã đề xuất thành lập trung tâm tập luyện đỉnh cao tại khuôn viên trường đua Phú Thọ sau khi trường đua ngựa chấm dứt hoạt động và Khu liên hợp Rạch Chiếc chưa khởi công. Đây được xem là quyết tâm lớn của những người làm thể thao hòng tìm lại thời hoàng kim đã qua.

Do thời gian chưa dài nên cũng khó kết luận việc hình thành các “nôi” có hiệu quả hay không? Tuy nhiên, từ kinh nghiệm trước đây, thật khó để có được thành quả như ngày trước bởi tính phong trào không có, bản thân các đơn vị được giao cũng loay hoay bài toán kinh phí và khâu đào tạo khi mà sự phân công ấy chủ yếu đến từ chủ trương chứ không bắt nguồn từ cơ sở. Ví dụ như môn bóng chuyền được giao cho Phú Nhuận chẳng qua vì đây là địa bàn của Maseco, đơn vị tiếp nhận tuyển bóng chuyền nam TPHCM, chứ từ trước đến nay Phú Nhuận chưa có thế mạnh này.

Những chiếc “nôi nhỏ” chưa biết ra sao còn việc hình thành “chiếc nôi lớn” tại trường đua Phú Thọ hiện chỉ mới ở giai đoạn giải tỏa mặt bằng (đem cho bên ngoài thuê nhiều năm qua). Từ đây đến hình thành cơ sở vật chất ăn ở, tập luyện đòi hỏi kinh phí để xây dựng hạ tầng trên nền trường đua cũ là không dễ giải quyết trong thời điểm hiện tại.

Rõ ràng, bài toán cho thể thao đỉnh cao của TPHCM là vô cùng hóc búa. Từ việc khai thác công năng của cơ sở vật chất đang có đến chuyện tìm nguồn kinh phí ổn định để đào tạo cho đến việc tái tạo hoạt động thể thao phong trào. Nói cách khác, thể thao đỉnh cao TPHCM rất cần có một “nhạc trưởng” từ lãnh đạo TPHCM chứ tự thân ngành thể thao thì loay hoay mãi cũng khó tìm lối ra.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục