Diễn ra từ ngày 29-8 đến 1-9 tại Malaysia, giải Thể dục nghệ thuật (TDNT) quốc tế Dream Cup 2024 thu hút các đội tuyển đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Nga, Hồng Kông - Trung Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan. Lực lượng đội tuyển Việt Nam tham dự giải gồm 1 HLV và 6 VĐV đều đến từ đơn vị TPHCM, dự tranh ở các nội dung cá nhân vô địch, cá nhân trẻ, bài nhóm trẻ.
Trong lần tranh tài quốc tế hiếm hoi này, các tuyển thủ xuất sắc giành 5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ. Một trong những gương mặt nòng cốt của đội tuyển TDNT TPHCM cũng như quốc gia là Ngô Hải Yến thể hiện được phong độ ổn định để đạt 2 HCV, 2 HCB. Nối tiếp lớp đàn chị, các tuyển thủ trẻ cũng kịp tạo dấu ấn ở đấu trường quốc tế, điển hình như: Nguyễn Như Hồng đạt 2 HCV ở nhóm cá nhân trẻ vòng và toàn năng, Trần Kim Thơ có 1 HCV nội dung với bóng. Nội dung nhóm trẻ 5 người với vòng cũng gây ấn tượng bằng tấm HCĐ.
Theo chia sẻ của Phụ trách môn TDNT TPHCM Phùng Lê Thy, trước các đối thủ mạnh đến từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc...được đầu tư bài bản và có nhiều cơ hội cọ xát ở giải đấu quốc tế, thì kết quả của các cô gái đến từ thành phố mang tên Bác được xem là khá bất ngờ. Tuy nhiên, các VĐV vẫn tạo được một số dấu ấn nhất định. Chẳng hạn như Hải Yến phải từ SEA Games 31-2022 đến nay mới lại được dự tranh ở giải quốc tế, song nhận được số điểm cao nhất từ giám khảo ở nội dung lụa và chùy. Tuyển thủ trẻ Như Hồng trong lần thi đấu quốc tế hiếm hoi nhưng thể hiện được phong độ tốt và có HCV nội dung toàn năng...
"Kết quả tại giải lần này sẽ là động lực giúp các VĐV luyện tập và đạt nhiều thành tích hơn nữa, phát triển bộ môn TDNT ở TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Những người làm công tác chuyên môn cũng mong muốn các VĐV sẽ có cơ hội tham dự thêm nhiều giải đấu quốc tế để được cọ xát và nâng cao các kỹ năng", bà Lê Thy cho biết.
Đội tuyển TDNT TPHCM ổn định nơi tập luyện tại lầu 3 Trung tâm TDTT Hoa Lư (quận 1). Trong thời gian tới, ban huấn luyện sẽ đầu tư thêm cho các VĐV trẻ - lớp kế thừa tài năng, để vững vàng tập luyện của các nội dung vô địch. Tuy nhiên, đội tuyển và bộ môn cũng gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Các VĐV cần có nhiều môi trường thi đấu để tích lũy thêm kinh nghiệm, nhưng rõ ràng chỉ 1-2 giải trong nước một năm là không đủ.
Để đáp ứng nhu cầu được thi đấu cọ xát tại các giải quốc tế nâng cao trình độ thì bộ môn vẫn phải dựa vào nguồn xã hội hóa hoặc các HLV, VĐV sẽ tự túc lo kinh phí. Nhưng vì lẽ chưa tạo được độ phủ rộng về phong trào, cũng như chưa nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ thể thao, nên việc tạo nguồn kinh phí để đầu tư, khả năng vận động tài trợ cho TDNT không hề dễ dàng.