Gelora Bung Karno được xem là “thánh đường” bóng đá của Indonesia, nhưng lại trở thành “ác mộng” với các đội bóng ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bốn lần đến “sân khấu” có sức chứa hơn 75.000 người để đối đầu cùng đội chủ nhà, các đội tuyển U23 và quốc gia Việt Nam nhận về 3 trận hòa và 1 thất bại. Lần gần nhất hai đội tuyển chạm trán nhau ở bán kết lượt đi AFF Cup 2022, khi thầy trò Park Hang-seo đã cầm hòa đối thủ 0-0.
Gọi Gelora Bung Karno là “ác mộng” bởi đây là một trong những “chảo lửa” nổi tiếng của bóng đá châu Á, với sự cuồng nhiệt và say mê trái bóng tròn từ người hâm mộ xứ Vạn đảo. Thậm chí, có những thời điểm sự cuồng nhiệt ấy trên mức cần thiết khiến Ban tổ chức đầy vất vả để đảo bảo an ninh, an toàn cho những người tham dự trận đấu ở Gelora Bung Karno. Còn nhớ ở vòng bảng AFF Cup 2022, các tuyển thủ Thái Lan đã bị nhóm hooligan của đội chủ nhà tấn công trước trận đấu.
Chơi bóng ở Gelora Bung Karno là một thử thách rất lớn, và điều này càng khiến đội tuyển Việt Nam đối diện với áp lực nặng hơn. Còn đó dư chấn tâm lý sau khi bị chính Indonesia loại khỏi vòng bảng Asian Cup 2023, thầy trò Philippe Troussier chỉ còn vòng loại World Cup 2026 để có thể đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà. Trong khi được chơi ở “thánh địa” Gelora Bung Karno là cơ hội rất lớn để thầy trò Shin Tae-yong tìm kiếm chiến thắng đầu tiên ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Với việc đội đầu bảng Iraq đã có 6 điểm và được nhận diện sở hữu một tấm vé đi tiếp ở vòng loại World Cup 2026, thì ba đội Việt Nam (3 điểm), Philippines và Indonesia (cùng có 1 điểm) sẽ cạnh tranh cho tấm vé còn lại. Vì thế, hai cuộc đối đầu với chính Indonesia vào ngày 21-3 (lượt đi) và ngày 26-3 (lượt về ở Việt Nam) được xem quyết định trực tiếp cho việc đôi bên có hoàn thành được mục tiêu lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 hay không.