Thành công lớn của báo Sài Gòn Giải Phóng

Nhắc đến Quả bóng Vàng (QBV) Việt Nam là nhắc đến báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) - đơn vị tổ chức giải thưởng, đồng thời tiên phong để tạo ra một trong những giải thưởng danh giá bậc nhất của thể thao Việt Nam.

Thành Lương và Kim Chi, hai cầu thủ 4 lần giành danh hiệu Quả bóng vàng
Thành Lương và Kim Chi, hai cầu thủ 4 lần giành danh hiệu Quả bóng vàng

Khép lại SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan) là thời điểm đánh dấu cho sự ra đời của QBV Việt Nam. Thời điểm đấy, tôi được báo SGGP mời tham gia trong vai trò góp ý cho sự ra đời của giải thưởng. QBV Việt Nam khi vừa ra đời đã gây được tiếng vang lớn. Đặc biệt sau khi đội tuyển Việt Nam vừa giành tấm HCB SEA Games 1995, báo SGGP đã tổ chức trao thưởng mùa đầu tiên rất hoành tráng.

Rõ ràng, thành công của bóng đá Việt Nam ở SEA Games 1995 là bước ngoặt để sau này chúng ta có được một trong những giải thưởng cao quý, đồng thời mang ý nghĩa rất lớn với giới mộ điệu.

Theo thời gian, QBV Việt Nam đã trở thành giải thưởng chính thức của VFF và được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các cá nhân có những đóng góp, cống hiến cho nền bóng đá nước nhà. Dĩ nhiên, để duy trì được tính truyền thống của giải thưởng là thành công lớn của báo SGGP.

24 năm hình thành và phát triển, QBV Việt Nam luôn chạy theo vòng xoay của bóng đá nước nhà. Có lúc thăng lúc trầm, có lúc vui lúc buồn, có lúc ngọt ngào lúc đắng cay nhưng báo SGGP vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến “đứa con tinh thần”, cố gắng đổi mới nhằm mang đến những sự chờ đợi hơn dành cho người hâm mộ.

QBV Việt Nam là giải thưởng rất có giá trị, góp phần tạo ra sân chơi lành mạnh và mang đến những động lực to lớn cho giới cầu thủ. Từ đó, các cá nhân có ý thức phấn đấu để làm sao khẳng định được tên tuổi của mình trên bản đồ bóng đá Việt Nam, cũng như trong mắt người hâm mộ. Và kết quả giải thưởng hàng năm luôn mang tính khách quan, chính xác.

Có lẽ, lần trao thưởng vào năm 1999 mang đến cho tôi kỉ niệm đáng nhớ nhất. Thời điểm đấy, Trần Công Minh (Đồng Tháp) được xứng tên ở danh vị cao nhất. Nhưng thực tế, cậu ấy thi đấu không thật sự nổi bật. Sau tấm HCB SEA Games 1999, Nguyễn Hồng Sơn được đánh giá cao nhất, tiếp đến là Lê Huỳnh Đức. Riêng Công Minh chỉ đứng thứ 3, thứ 4.

Thành công lớn của báo Sài Gòn Giải Phóng ảnh 1 Nhà báo Trần Quang Tuyến (bên trái)
Nhưng khá đông phóng viên thể thao, trong đó có tôi ở thời điểm năm 1999 đã bầu chọn theo kiểu “cảm tính” và kết quả, Công Minh là người đoạt QBV Việt Nam. Vì sao có kiểu “cảm tính” này? Để lựa chọn một cầu thủ, ngoài tiêu chí chuyên môn còn có các yếu tố: vấn đề đạo đức, hành xử trên sân cỏ, quan hệ với công chúng ... nhiều lắm!  

Quay trở lại với “mùa Vàng” của năm 2019, thành công của Hà Nội FC giúp đội bóng này có đến 4/5 gương mặt lọt vào danh sách rút gọn cho hạng mục QBV nam. Bên cạnh Hùng Dũng, Quang Hải và Văn Hậu đã mang đến những ấn tượng thì còn có trường hợp đặc biệt của Văn Quyết.

Dẫu vậy, tôi vẫn đánh giá cao khả năng chiến thắng của Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Quang Hải nhiều hơn so với những người còn lại. Tại hạng mục của nữ, tôi dự đoán top 3 năm nay thuộc về Huỳnh Như, Chương Thị Kiều và Trần Thị Kim Thanh (CLB TPHCM). Và dĩ nhiên cũng chờ đợi vào sự bất ngờ từ Phạm Thị Hải Yến (Hà Nội) mang đến.

Tin cùng chuyên mục