“Tấn công” đấu trường Olympic

Dùng từ “tấn công” ở đây có thể hơi cường điệu. Tuy nhiên, đấy cũng là mục đích chính của thể thao Việt Nam trong năm 2012. Điều đáng nói hơn nữa, đáng mừng hơn nữa là chúng ta hướng ra sân chơi lớn nhất hành tinh với những môn cơ bản của phong trào Olympic…

3 VĐV hàng đầu Việt Nam năm qua là Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ - TDDC), Hoàng Quý Phước (bơi), Trương Thanh Hằng (điền kinh) cũng là 3 niềm hy vọng lớn nhất của thể thao nước nhà trong năm 2012. Họ đã và đang hướng đến Olympic London 2012 bằng những con đường khác nhau.

Điểm đáng chú ý ở chỗ, so với những niềm hy vọng trước đây của chúng ta tại các kỳ đại hội thể thao lớn thường xuất thân từ các môn võ (Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Văn Hùng trong môn taekwondo, Lý Đức, Phạm Văn Mách trong môn thể hình…), cả Hà Thanh, Quý Phước và Thanh Hằng đều thi đấu ở những môn cơ bản của phong trào Olympic gồm TDDC, bơi và điền kinh.

Chi tiết đó cho thấy thể thao Việt Nam đang có một bước chuyển mình quan trọng trên con đường khẳng định với thế giới. Giữa những môn thể thao cơ bản vốn rất khốc liệt ấy, chúng ta vẫn có khả năng giành huy chương Olympic. Niềm hy vọng lớn nhất dĩ nhiên đang được đặt lên vai Phan Thị Hà Thanh, người đã đoạt HCĐ nội dung nhảy ngựa môn TDDC tại giải VĐTG ở Nhật Bản năm rồi. Phong độ của Hà Thanh hiện cũng khá ổn định, bằng chứng là sau SEA Games 26, cô lại giành thêm HCV giải TDDC Nhật Bản mở rộng.

Hoàng Quý Phước khó đoạt huy chương ngay tại Olympic 2012, nhưng chính kình ngư số 1 Việt Nam cũng đang quyết cải thiện thành tích của mình, với mục tiêu đạt chuẩn A Olympic, sau khi đã vượt qua chuẩn B. Riêng Trương Thanh Hằng (điền kinh) dù chưa đạt chuẩn dự Olympic nhưng cô hiện đang là nhà vô địch châu Á cự ly 800m nữ, một thành tích hiếm có đối với một VĐV Việt Nam.

Từ nay đến ngày Thế vận hội khởi tranh, Thanh Hằng còn khoảng 3 tháng để tìm chuẩn Olympic. Cũng giống như Hoàng Quý Phước, dù khó mơ về thành tích đoạt huy chương, nhưng việc Thanh Hằng có khả năng đến London bằng cổng chính (thay vì suất “an ủi” như các VĐV điền kinh thế hệ trước được nhận) cho thấy bước tiến đáng kể của thể thao Việt Nam trong các môn cơ bản.

Đấy là chưa kể đến những Việt Anh (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Ngân Thương (TDDC)… cũng đang ráo riết tìm chuẩn Olympic. Những động thái ấy phần nào phác họa sự chuyển mình của thể thao Việt Nam, rằng chúng ta đang hướng đến cái đích cao nhất là Thế vận hội, thay vì chỉ quanh quẩn ở “ao làng” SEA Games như trước đây.

Tung Sơn

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá trong nước

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương gặp mặt, động viên CLB B.Bình Dương trước khi mùa bóng 2023 trở lại

Nhằm động viên khích lệ tinh thần Ban huấn luyện và các cầu thủ CLB Becamex Bình Dương trước các vòng đấu tiếp theo tại V-League 2023 và Cúp Quốc gia 2023, chiều tối ngày 28-3, tại Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi gặp gỡ Ban huấn luyện và tất cả các cầu thủ của đội.

Bóng đá quốc tế

"Messi là cầu thủ duy nhất chơi hay hơn Saka"

Cựu đội trưởng Arsenal, Tony Adams đã ca ngợi Bukayo Saka hết lời. Ông cho rằng màn trình diễn bùng nổ của tiền đạo Arsenal đang tô vẽ hình ảnh cầu thủ chơi hay nhất Premier League và có lẽ chỉ đứng thứ 2 trên đấu trường thế giới.

Quần vợt

Miami Open: Barbora Krejcikova không muốn bị lãng quên - trở thành Big Four, nhưng vừa bị Big Three hạ gục ở vòng 4

Gần đây, thuật ngữ “Big Three” đang bắt đầu được nhắc đến ở WTA Tour, gồm “Nữ hoàng tối thượng” Iga Swiatek, Đương kim vô địch Australian Open - Aryna Sabalenka, và Đương kim vô địch Wimbledon - Elena Rybakina. Là tay vợt CH Czech đang có phong độ tốt, cũng đã ăng quang French Open 2021, Barbora Krejcikova muốn góp mặt để trở thành “Big Four”.