Tài năng thể thao TPHCM: Niềm tin tương lai

Luôn có tên trong danh sách tuyên dương “10 công dân trẻ tiêu biểu TPHCM”, các VĐV tài năng của ngành TDTT TPHCM được ví như những “người truyền lửa”, kế thừa đàn anh, đàn chị khơi dậy tinh thần tập luyện và thi đấu không biết mệt mỏi vì sự hưng thịnh của thể thao thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Lê Tú Chinh và Lê Thanh Tùng là 2 trong số những tấm gương điển hình như thế…

Lê Tú Chinh - Cơn lốc trên đường đua tốc độ
Hơn 10 năm trước, Tú Chinh mồ côi mẹ. Đấy là cú sốc đầu đời và khó quên đối với cô gái trẻ. Nhưng vẫn còn đó người cha Lê Tiết Nhân hết mực thương yêu và trở thành chỗ dựa quan trọng, giúp Tú Chinh tiếp tục gắn bó với đường chạy điền kinh đầy khắc nghiệt nhưng cũng không kém phần vinh quang.
“Ba ơi! Con làm được rồi!...”, Lê Tú Chinh đã hét lớn ở đấu trường SEA Games 29 như thế sau khi cô đoạt tấm HCV cự ly 100m nữ, như để giải tỏa những chất chứa ẩn giấu trong lòng.
Tài năng thể thao TPHCM: Niềm tin tương lai ảnh 1 Lê Tú Chinh góp công lớn trong chiến tích giành chiếc HCV lịch sử 4x400m nữ của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 29 
Nếu không có cha động viên và khích lệ, có lẽ ngay chính HLV Nguyễn Thị Thanh Hương cũng chưa chắc đã tìm được cô học trò tài năng ấy giữa cuộc đời, để đến hôm nay Lê Tú Chinh trở thành “Nữ hoàng tốc độ” của vùng Đông Nam Á một cách đầy ấn tượng, thế vai hoàn hảo cho đàn chị Vũ Thị Hương lẫy lừng một thuở.
Có một chuyện, như thừa nhận của ông Nhân, ban đầu khi cô con gái bén duyên với điền kinh, ông đã ngăn cản, chỉ sợ con vất vả. Song, sự kiên định của Tú Chinh và lòng đam mê với đường chạy rốt cuộc đã thuyết phục được cha mình đổi ý.
Ông Nhân kể từ đó luôn âm thầm đứng sau con gái, tất tả chăm sóc và cùng HLV Thanh Hương nâng bước cho Tú Chinh vươn lên… với thu nhập từ chính những cuốc chạy xe ôm của mình.
Cô gái trẻ 20 tuổi ấy lần đầu tiên tham dự SEA Games tại Malaysia, nhưng đã gây bất ngờ khi giành liên tiếp 2 tấm HCV với cự ly 100m và 200m nữ. Chưa kể, cô còn góp công lớn trong chiến thắng lịch sử trước Thái Lan ở nội dung tiếp sức 4x100m nữ, mang về cho điền kinh Việt Nam thêm tấm HCV danh giá. Tú Chinh thậm chí còn được báo chí Đông Nam Á ví von “như một cơn lốc trên đường đua tốc độ”.
Căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Chế Nghĩa (quận 8, TPHCM) rộn tiếng cười sau những chiến thắng của Tú Chinh. Dĩ nhiên, khó mà miêu tả cho hết sự tự hào, hãnh diện của ông Lê Tiết Nhân và 2 người chị gái của cô út Tú Chinh - người từng nhận được danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” năm 2016.
Chuẩn bị cho kế hoạch chinh phục đỉnh cao ASIAD 18, nhà vô địch Lê Tú Chinh sẽ được đưa sang Mỹ để luyện nghề theo chương trình đầu tư trọng điểm của UBND TPHCM dành cho các VĐV thể thao tài năng. 
Tài năng thể thao TPHCM: Niềm tin tương lai ảnh 2 Lê Tú Chinh bứt phá trên đường chạy
Lê Thanh Tùng - Khát vọng vượt khó
Ai cũng khẳng định Thanh Tùng chính là hiện thân cho khát vọng chiến thắng của đội tuyển Thể dục sau thời điểm cô gái vàng Phan Thị Hà Thanh giã từ sự nghiệp VĐV, cũng ở nội dung nhảy chống sở trường.
Nếu dựa vào bảng thành tích đáng nể mà chàng trai 22 tuổi này sở hữu trong vòng 2 năm trở lại đây, thì quả như vậy thật: HCV World Challenge Cup 2017, Vô địch châu Á 2017 và 3 lần được xướng tên trên bục cao nhất tại SEA Games 29.
Tài năng thể thao TPHCM: Niềm tin tương lai ảnh 3 Lê Thanh Tùng giành 3 HCV tại SEA Games 29. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG - NHẬT ANH
Thế nhưng, chàng “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2017” lại bảo rằng thành công đến nhờ vào nhiều yếu tố: sự giúp sức của HLV Trương Minh Sang, của thầy cô ở đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia, của ngành TDTT TPHCM… và đặc biệt hơn là nhờ vào… chiếc xe bán bánh mì của mẹ, những cuốc chạy xe ôm của cha.
Thanh Tùng tâm sự rằng anh phải vươn lên, nắm bắt mọi cơ hội nhờ vào tài năng TDTT của mình để thay đổi số phận, sớm giúp mẹ không còn đẩy xe bán bánh mì, cha không còn đội nắng và gió chạy những chuyến xe ôm khắp phố phường - những hình ảnh đã gắn bó thân thiết với Tùng suốt tuổi ấu thơ cho đến hôm nay.
Lúc chiến thắng, khi đón nhận vinh quang và kể cả những thời điểm chật vật với nghề đâu có cha, mẹ cạnh bên, nhưng lại là nguồn sống và động lực thôi thúc Thanh Tùng vươn lên, luôn lạc quan về một tương lai tươi sáng.
“Tôi luôn tâm niệm rằng trong bất kỳ trường hợp nào, sự lạc quan không bao giờ là thừa cả. Bạn xuất thân thế nào không quan trọng, điều quan trọng là bạn đã sống như thế nào và làm được những gì mà thôi. Thể thao với tôi đầu tiên là đam mê, sau đó tôi có thể kiếm được một số tiền để phụ giúp mẹ đỡ vất vả hơn”, Tùng thẳng thắn chia sẻ!
* * *
Không phải “con nhà nòi”, lại tìm đến với thể thao thật tình cờ, nhưng giờ đây cả Lê Tú Chinh lẫn Lê Thanh Tùng đều đã tỏa sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia, trở thành chỗ dựa và chiếm trọn niềm tin nơi giới làm nghề trong mỗi chuyến xuất ngoại của điền kinh và thể dục dụng cụ. Họ đang tô vẽ cho bức tranh thể thao TPHCM ngày càng tươi tắn và đẹp đẽ hơn… 

Tin cùng chuyên mục