Showbiz thể thao

Ai cò kè, ai làm giá, ai đúng, ai sai trong thương vụ sân Mỹ Đình đã đến hồi kết khi ông giám đốc sân Cấn Văn Nghĩa tuyên bố “nghe theo” chỉ đạo của Tổng cục TDTT. Trong cuộc họp để đi đến thống nhất giữa các bên, mức giá đã giảm từ 1,5 tỷ đồng và 500 vé mời xuống còn 800 triệu đồng và 50 vé mời.

Ai cò kè, ai làm giá, ai đúng, ai sai trong thương vụ sân Mỹ Đình đã đến hồi kết khi ông giám đốc sân Cấn Văn Nghĩa tuyên bố “nghe theo” chỉ đạo của Tổng cục TDTT. Trong cuộc họp để đi đến thống nhất giữa các bên, mức giá đã giảm từ 1,5 tỷ đồng và 500 vé mời xuống còn 800 triệu đồng và 50 vé mời.

Như vậy là trong khoảng một tuần gây tranh luận ầm ĩ trên các báo, ông giám đốc sân Mỹ Đình không còn lớn tiếng đòi “húp nước” nữa. Tất nhiên, cái giá 800 triệu đồng cho trận đấu giữa Arsenal với tuyển Việt Nam không phải vì ông Nghĩa “nghe lời” cấp trên mà chí ít nó cũng đã gần với giá thật của một trận đấu trên sân này.

Dư luận đặt câu hỏi nếu không có sự bức xúc của ban tổ chức và lên tiếng của công luận thì liệu vụ việc có kết thúc như trên hay không? Bởi, ngay trong cuộc làm việc với VFF và trao đổi với báo chí, ông Cấn Văn Nghĩa vẫn không “lay chuyển” so với tuyên bố trước đó. Một tờ báo hiếm hoi phân tích theo quan điểm của sân Mỹ Đình còn nêu con số mà ban tổ chức thu được là cả trăm tỷ đồng so với 40 tỷ đồng bỏ ra và kết luận những người đưa Arsenal sang Việt Nam kì kèo một vài tỷ đồng thuê sân là không đáng mặt anh hào! Quả là đấu tranh với kiểu làm ăn bất chấp không phải đơn giản và chưa chắc sẽ có được kết quả một cách hợp lý.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên sân Mỹ Đình làm giá với tuyển Việt Nam và VFF. Đã không ít lần đội tuyển phải dời sân thi đấu hoặc bị ban quản lý sân không cho vào tập trước khi thi đấu. Tại AFF cup năm 2010, giải đấu có khả năng đổ vỡ khi ban quản lý sân Mỹ Đình đòi ban tổ chức… chia tiền đặt bảng quảng cáo trên sân trong khi tiền cho thuê sân đã tính đầy đủ. Nó không khác gì bây giờ khi Mỹ Đình cũng đòi đến 500 vé mời trong trận thi đấu của Arsenal ngoài tiền thuê sân. Nhắc lại mới thấy vụ việc không phải khi trận đấu có Arsenal là “đinh” của các trận cầu “đinh” nên chủ sân phải đầu tư thêm nhiều hạng mục, mà là thói quen “chặt chém” của các vị quản lý sân.

Có người nói, chung quy cũng vì chúng ta có mỗi cái sân Mỹ Đình đạt tiêu chuẩn nên nếu không chấp nhận thì không còn nơi nào khác thi đấu. Điều đó cũng chỉ đúng một phần, bởi nếu có đến chục sân đạt chuẩn đi nữa nhưng đều nằm trong tay các vị quản lý như Mỹ Đình hiện nay thì chưa chắc khách hàng không bị “chặt chém”. Chuyện đơn giản là một đơn giá cụ thể cho các trận đấu mà còn không có thì nói gì đến những quy định bài bản hơn. Để rồi mỗi khi muốn “chặt” thì ban quản lý sân sẽ kê ra đủ thứ khoản chi như thay cỏ mặt sân, duy tu hệ thống tưới, nâng cấp phòng ốc, quét dọn… trước mỗi trận đấu.

Mỹ Đình trở nên nổi tiếng ở châu Âu, nhất là Anh, nơi mà báo chí đang theo sát hành trình du đấu của Arsenal đến châu Á. Theo “nguyên lý” của giới showbiz, nổi tiếng hay tai tiếng đều như nhau, miễn tên tuổi được càng nhiều người biết đến càng tốt. Có lẽ, những người quản lý sân Mỹ Đình muốn chọn con đường đi này chăng?

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục