Rất nhiều hy vọng của thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic London sắp diễn ra đặt lên vai Trần Lê Quốc Toàn. Ở môn cử tạ, Toàn là người “ngon” nhất về thành tích quốc tế, sau Hoàng Anh Tuấn và Thạch Kim Tuấn. Toàn còn được đánh giá cao, vì sự điềm tĩnh, biết người biết ta.
Toàn gánh niềm hy vọng của quốc gia vào thời điểm này không phải là chuyện đột ngột. Từ SEA Games 25, Toàn chưa sẵn sàng bước lên bục nhận huy chương, do cái bóng quá lớn của Hoàng Anh Tuấn. Phải đến SEA Games 26, Toàn mới đoạt huy chương vàng. Trước đó không lâu, anh có một bước đệm quan trọng là giành hạng tư thế giới.
Con đường tấn công các nấc cử đẩy, cử giật mới của Toàn đi từ thấp lên cao, từ trong nước ra khu vực rồi đến giải thế giới rất chắc chắn. Nó tạo ra lòng tin, còn tất nhiên kết quả thế nào phải đợi thi đấu mới biết. Trong quá khứ gần, không ít lần thể thao Việt Nam đã “quy hoạch huy chương” không chính xác, tạo nên sự hụt hẫng.
Nhưng ngay cả khi khắc khoải cầu mong cho Toàn thành công ở Olympic, ai cũng phải thừa nhận rằng sau đó nhiều khả năng lại là một khoảng trống mới. Và không chỉ trong cử tạ, những vận động viên ở trình độ thế giới của chúng ta quá hiếm hoi.
Sau Nguyễn Tiến Minh, chưa biết đến bao giờ mới có một vận động viên cầu lông Việt Nam với được tay vào 10 hạng đầu thế giới. Sau Lê Quang Liêm cũng tương tự. Môn judo đang dồn hy vọng cả vào Văn Ngọc Tú. Còn ở những môn “Olympic xịn” như điền kinh, bơi… chẳng le lói hy vọng nào.
Bước ra đấu trường thế giới, càng thấy rõ những khoảng hẫng của nền thể thao trong nước. Thể thao đỉnh cao hoàn toàn khác so với thể thao quần chúng. Nhưng nếu không có bề rộng của thể thao phong trào, nhất là thể thao học đường, sẽ rất khó nảy ra một thế hệ tài năng để đầu tư cho đỉnh cao.
Mặt khác, lối tư duy và hoạch định kiểu “đi tắt, đón đầu” cũng vẫn còn tạo ra những lệch lạc khác. Đi đường tắt về thành tích tính bằng tổng huy chương đạt được trong “cái ao SEA Games” không thể đồng nghĩa với chuẩn bị nghiêm khắc cho những cuộc thi tầm thế giới.
Không có nhân tài kế thừa, không có cái nhìn dài hơi về phát triển, đương nhiên là phải ước đoán kiểu “dự báo thời tiết” với dung sai lớn. Quy hoạch kiểu mò mẫm ấy cũng không tạo ra lòng tin có thể kiểm chứng trên sàn đấu.
Tin vào Trần Lê Quốc Toàn, Văn Ngọc Tú mang vinh quang về cho Tổ quốc, cũng là mong tấm huy chương thế giới của họ sẽ là cú hích mới cho một nền thể thao còn nhiều khoảng hẫng. Thêm thành tích tầm thế giới, trong một đoạn đường dài, mới đàng hoàng tin rằng đó không phải là ăn may.
Vũ Bách