Từ Gustavo Kuerten đến Jelena Ostapenko, tưởng chừng họ chẳng có liên quan gì, để rồi, họ đều có một điểm chung – từ những kẻ “vô danh” trở thành… nhân vật chính, thành “Nhà vua” và “Nữ hoàng” ở Roland Garros, chỉ sau 2 tuần lễ cố gắng.
20 năm trước
“Tôi đến với giải đấu này chỉ với mục tiêu là giành được một trận thắng. Tôi không hề cố gắng đăng quang ngôi vô địch ở đây. Nhưng ở vào thời điểm đó, tôi đang cố gắng cải thiện bản thân mình. Và khi càng tiến sâu vào giải, tôi càng cần sớm thoát khỏi những trí tưởng tượng bay bổng về khả năng giành chiến thắng, vì thế, Larri (Larri Passos, HLV của Kuerten ở Roland Garros 1997) đã luôn rất cụ thể trong việc lên kế hoạch cho thời gian biểu của tôi, để tôi tránh bị phân tâm.
Đơn giản, tôi chỉ cần cảm giác tốt hơn trên mặt sân đất nện, và tôi đã trở nên tốt hơn”, cựu tay vợt có tên thân mật là Guga đã tâm sự về những ký ức đáng nhớ hồi 20 năm trước, khi anh cùng với HLV Passos xách theo một chiếc va li nho nhỏ, ở trong căn phòng khách sạn kém tiện nghi có mức giá 70 USD/đêm, để bắt đầu cho một chuyến hành trình mà sau này anh biết rằng, nó đã thay đổi cuộc sống của anh mãi mãi.
Từ một tay vợt vô danh người Brazil mới chỉ có vài chiến thắng “tạm coi được” trong mùa giải, Kuerten đánh bại những “tượng đài” trên mặt sân đất nện tại Roland Garros như là Thomas Muster (Áo), Andrei Medvedev (Nga), Yehgeny Kafelnikov (Nga), Sergi Bruguera (Tây Ban Nha)… để lên ngôi vô địch Roland Garros hồi 20 năm về trước vào ngày 8-6-1997. Đó là danh hiệu đầu tay trong sự nghiệp của Guga, và kỳ diệu thay, đó cũng là một danh hiệu lớn đầu tiên trong cuộc đời của anh.
Trong cái ngày mà Guga đánh bại Bruguera và hạnh phúc giương cao chiếc Cúp Suzenna Lenglen tại Paris, ở thành phố Riga của đất nước Latvia về phương Đông, có một bé gái dễ thương vừa cất tiếng khóc chào đời. Chẳng ai biết rằng, đúng 20 năm sau, chỉ xê dịch chừng vài ngày, bé gái ngày nào lại nối gót Guga, trở thành tay vợt đăng quang Roland Garros như là danh hiệu đầu tay của mình. Đó là sự trùng hợp, hay thực chất là định mệnh?
20 năm sau…
Trước trận chung kết đơn nữ giữa Simona Halep và Jelena Ostapenko, câu chuyện 20 năm kết nối quá khứ và hiện tại lại một lần nữa được nhắc đến. Nhưng để câu chuyện đó trở thành hiện thực, Ostapenko đã phải nỗ lực rất nhiều. Cô để thua trước trong ván đấu đầu tiên, và có 2 lần liên tục chỉ còn cách thất bại chung cuộc đúng 3 game đấu (bị dẫn 0-3 trong ván đấu thứ 2 và bị dẫn 1-3 trong ván đấu quyết định). Nhưng với một bản lĩnh khó tin, thứ thường chỉ được trông thấy ở một tay vợt lớn, giờ đây lại hiện diện trong cơ thể của một cô gái trẻ mới tròn 20 tuổi vài ngày, Ostapenko đã viết nên lịch sử cho làng quần vợt Latvia nói chung và cho chính bản thân của cô nói riêng bằng chiến thắng ngược dòng ngoạn mục có điểm số 4-6, 6-4, 6-3. Ostapenko đã biến một Halep già dặn trở thành bại tướng, khiến Roland Garros tiếp tục là nơi chứng kiến kỳ tích từ những tay vợt trẻ, những kỳ tích như những câu chuyện cổ tích đời thường.
“Tôi không có từ ngữ nào để miêu tả cảm xúc của mình. Đây là giấc mơ của tôi. Tôi đang cảm thấy cực kỳ sung sướng. Tôi biết Simona là một tay vợt tuyệt vời. Nhưng mà, tôi đã cố chơi thật quyết liệt và rồi mọi thứ đã chuyển hướng theo cách của tôi. Tôi đã chiến đấu cho từng điểm số. Tôi sung sướng khi trận đấu đã kết thúc theo cái cách mà tôi mong muốn. Tôi đã cố gắng trong từng cú đánh khi có thể và trong hình huống có match-point. Đơn giản, tôi chỉ suy nghĩ: “OK, tôi chẳng có gì để mất. Tôi sẽ tiến lên để giành lấy cú đánh thắng điểm trực tiếp của mình. Hoặc nếu tôi đánh hỏng tình huống đó, tôi sẽ lại có một tình huống khác mà thôi”. Tôi vẫn không thể tin nổi, bởi vì đây chính là giấc mơ của tôi, thứ đã bước ra khỏi mơ màng để trở thành một sự thật tuyệt vời”, Ostapenko nói về những suy nghĩ thăng hoa của mình.
Cũng giống như câu chuyện mang tên “20 năm sau” tiếp nối sau những biến cố của 20 năm trước, câu chuyện về “Ba người lính Ngự lâm” của Alexandre Dumas, những gì mà D'Artagnan từng trải qua hồi 20 năm trước, đã dồn dập hiện về và là lời giải đáp rất rõ ràng cho cuộc binh biến cũng diễn ra tại Paris hồi 20 năm sau, từ những kết nối tưởng chừng rất mờ nhạt. Như một sợi chỉ mong manh, nhưng không bao giờ đứt, những kết nối từ 20 năm trước, đến 20 năm sau, sẽ được giữ mãi cùng với không gian và cả thời gian. Đó cũng chính là những gì mà Guga và Ostapenko đang trải qua, ở French Open. Một câu chuyện của định mệnh và số phận lịch sử đã lựa chọn họ là người giành chiến thắng cuối cùng!