Thuộc lứa “Gen Z”, khi còn nhỏ đã được tập đủ môn, không bó buộc với quần vợt
Raducanu sinh năm 2002, thuộc lứa “Gen Z” (“Thế hệ Z”, chỉ nhóm người trẻ trung năng động sinh ra trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2012), trong một gia đình đa chủng tộc, cha là người Romania, mẹ là người Trung Quốc. Lúc cô con gái cưng độc nhất ra đời, cha mẹ Raducanu đang sống ở Montreal (Canada). Khoảng 2 năm sau, họ mới chuyển về London (Anh quốc) để định cư, và ổn định cuộc sống!
Cha và mẹ Raducanu đều kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính. Thế nên, họ có suy nghĩ rất phóng khoảng, không gò bó. Họ cho phép cô con gái cưng phát triển sở thích và năng khiếu một cách đa dạng, tự do tiếp cận các môn học, kiểu thể thao miễn sao cô bé yêu thích là được.
Với quá nhiều hoạt động năng động tích cực, Raducanu được rèn luyện cơ bản bộ kỹ năng mà sau đó, cô áp dụng tốt trong môn quần vợt, đó là khả năng di chuyển linh hoạt, giữ thăng bằng cơ thể và quyết định trong tích tắc thời gian về những hành động tiếp theo của mình. Rất nhanh chóng, Raducanu nhận ra được sự khác thường và vượt trội của chính bản thân so với các đứa trẻ đồng trang lứa khác…
Đam mê đua xe tốc độ
Trước khi chuyên tâm quần vợt, trong những mối quan tâm hàng đầu của Raducanu chính có đua xe mô tô, các trò đua xe tốc độ. Hồi mùa Hè năm nay, trước ngưỡng cửa của thành công ở Grand Slam trên đất Mỹ, Raducanu từng tâm sự về đam mê “cổ xưa”: “Trên đường đua xe Go Kart, tôi là đứa con gái duy nhất. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng, điều đó thật là tuyệt vời. Có lần, HLV bắt chúng tôi phải hít đất ngay lập tức, nhưng tôi cũng là đứa nhóc duy nhất biết thực hiện động tác này. Do vậy, tôi cực kỳ tự hào với chính bản thân của mình…”.
Do yêu đua xe tốc độ, Emma Raducanu thường theo dõi đua xe mô tô, đặc biệt là đua xe F1, thậm chí “thâm nhập” các đường đua. Người tathấy cô đến xem các sự kiện Grand Prix của F1. Cô có mối quan hệ thân tình với rất nhiều tay đua F1 nổi tiếng đồng hương. Khi Raducanu “giải cơn khát danh hiệu Grand Slam trên đất Mỹ” của người Anh, nhiều tay đua bạn bè đã nhắn tin, và đăng tải những thông điệp chúc mừng cô trên rất trang mạng xã hội. George Russell (đội đua Williams-Mercedes) viết: “Ồ, màn trình diễn tuyệt vời làm sao. Xin chúc mừng Emma Raducanu, em chính là một vì sao”. Tay đua khét tiếng người Anh Lewis Hamilton còn viết rất dài: “Ồ, những giấc mơ trở thành sự thật. Làm tốt lắm Emma Raducanu, danh hiệu đầu tiên của rất nhiều tiếp theo. Sự trỗi dậy của cô ấy thật khó tin. Sự tập trung, quyết tâm của cô ấy. Cô ấy cũng là phụ nữ rất ngọt ngào. Nước Anh, giờ đây có điều gì đó để tự hào, với cô ấy. Sốt ruột đến độ không thể chờ đợi xem liệu cô ấy còn làm gì tiếp theo”. Raducanu đến xem một sự kiện đua xe F1 |
Cha mẹ rất khó tính, Raducanu không thể tự cao
Từ khi còn nhỏ đến giờ, cha mẹ Raducanu vẫn xem thành công của cô trong quần vợt là bình thường, không cuồng tín thần thánh hóa. Chẳng hạn, sau khi Raducanu lọt vào tứ kết của US Open, và chạm tay vào cột mốc lịch sử mới, Raducanu phàn nàn rằng cha mẹ cô không hề trả lời tin nhắn của cô. Hồi mùa Hè năm nay, khi thấy con gái cưng của mình cầm theo quá nhiều vật dụng và quần áo để đi vào “Khu cách ly Wimbledon”, cha mẹ cô còn hỏi: “Mang gì mà nhiều vậy?”.
Hồi năm ngoái, lệnh giãn cách xã hội áp dụng lên rất nhiều quốc gia trên thế giới, cha mẹ của cô đã đề nghị cô tạm dừng thi đấu để bảo đảm sức khỏe, đồng thời tập trung vào việc họ ở trường học. Kết quả là, Raducanu đã phải dừng chơi bóng trong 16 tháng trời, cô chỉ vừa quay trở lại thi đấu ở Nottingham hồi tháng 6 năm nay.
Sau đó, cha của cô thậm chí còn sa thải HLV tên tuổi Nigel Sears (từng huấn luyện cho những tay vợt khét tiếng như Daniela Hantuchova, rồi Ana Ivanovic…) và đưa “người quen cũ” Andrew Richardson (HLV thời nhỏ của Raducanu) về “tiếp quản nhiệm vụ”, dễ bề quản lý con gái rượu. Ông Ian tin điều đó là hữu ích cho Raducanu khi nghe nhiều ý kiến khác nhau…
Mê học hành, tốt nghiệp trung học
Không chỉ khiến cha mẹ tự hào khi trên sân đấu, Raducanu làm cha mẹ hãnh diện trong học hành. Hồi mùa Xuân năm nay, cô đã vượt qua những kỳ thi cuối khóa, bao gồm cả những môn nâng cao trình độ như là toán học và kinh tế. Đam mê học tập của Raducanu cũng cháy bỏng không thua gì “đam mê quần vợt”.
Cũng như cha mình, cô thích thú học hỏi cả… kiến trúc. Khi đến thăm cây cầu Cổng Vàng (ở San Francisco - Mỹ) vào hồi mùa Hè năm nay, Raducanu có viết những dòng chia sẻ trên tài khoản Instagram của cô: “Một kiến trúc khéo léo của Joseph Strauss vào những năm 1930. Thật tuyệt vời khi được trông thấy tận mắt cây cầu này sau khi được học rất nhiều về nó từ năm 8 tuổi”.
Ngôi trường mà Emma Raducanu từng tốt nghiệp, có rất nhiều cựu học sinh sau này trở thành người nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ trong thể thao. Đơn cử như là Dina Asher-Smith (vô địch thế giới chạy cự ly 200m nữ), Gemma Chan (diễn viên người Anh gốc Hồng Kông). Gemma từng xuất hiện trên bìa Tạp chí Vogue danh giá, số ra hồi tháng 9. Còn số ra tháng 10, chính là Raducanu, làm người mẫu cho các bộ sưu tập thời trang đầy ấn tượng của Alexander McQueenm, Louis Vuitton. Số báo này được phát hành ngay khi Raducanu bay đến Mỹ tham dự US Open 2021. Raducanu trên Tạp chí Vogue |
Raducanu đánh giá việc học tập là rất quan trọng cho chính sự nghiệp thi đấu của cô. Thứ nhất, mỗi khi học hành, cô được phép… quên đi quần vợt, không nhớ đến những áp lực, suy nghĩ về kỹ chiến thuật phiền phức. Thứ hai, tư duy trong học tập giúp cô phát triển kỹ năng phân tích các miếng đánh trong quần vợt.
“Tôi có thể xử lý một khối lượng lớn thông tin trên sân đấu”, Raducanu tiết lộ, “Điều này thể hiện rất rõ ở trên sân đấu. Tôi tinh thông về số lượng chiến thuật nhiều hơn so với những đối thủ của mình. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, có người là thể lực, với tôi, chính là tư duy”.
Được Murray và Sears đánh giá cao
Cho đến khi Wimbledon kết thúc, Raducanu vẫn còn đang “thụ giáo” HLV Nigel Sears (cha vợ của Andy Murray). Ở lần “ra mắt” Grand Slam, Raducanu vừa thành công, vừa thất vọng. Thành công vì cô lọt đến vòng 4. Thất bại vì cô buộc phải bỏ cuộc nửa chừng, theo lời khuyên của bác sĩ giải đấu, do gặp vấn đề về hô hấp khi thi đấu với Ajla Tomljanovic của Australia. Sau đó, nhiều người lầm tưởng rằng vấn đề căng thẳng thể chất của Raducanu do cô hoảng loạn và thiếu tự chủ.
Nhưng HLV Sears, người rất rõ về chuyên môn và sức khỏe của Raducanu, đã giải thích: “Cô ấy là một cô gái rất thông minh và nhạy cảm. Cô ấy có tham vọng lớn lao, điều đó đã thu hút tôi ngay lập tức. Theo tôi, cô ấy chơi thứ quần vợt thuận theo tự nhiên và luôn cảm thấy thoải mái, thanh thoát trước sự chú ý của công chúng. Cô ấy đang đi lên đỉnh cao, tôi chẳng thấy điều gì có thể ngăn cản cô ấy cả. Mọi thứ, giờ đây đều tùy thuộc vào chính bản thân cô ấy”. Sears đã đúng.
Nhưng tự bản thân Raducanu cũng trân trọng chính mình: “Tôi tin rằng mình đủ tư duy và tư cách để lọt vào tốp 10 thế giới, giành được các danh hiệu Grand Slam. Tôi vốn là một cô bé nhút nhát, không chịu mở miệng một lần. Nhưng trong thể thao, tôi học được tính quyết đoán, lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu. Tôi đã phát triển sức mạnh bên trong nội tại. Và với nó, bạn có thể đạt được bất cứ điều gì…”.
Vẫn tập làm quen cách tiêu tiền
Trở thành triệu phú đô la khi tuổi đời còn rất trẻ, với Raducanu là rất ngượng nghịu. Cô chưa biết cách tiêu tiền và phải tập làm quen với điều này. Vậy nên, Raducanu sẽ để lại cả 2,5 triệu USD tiền thưởng cho ngôi vô địch đơn nữ của US Open trong… tủ của cha mẹ: “Thành thật mà nói, tôi sẽ gửi cho cha mẹ, và đội của tôi cùng giữ. Hiện tại, tôi chỉ tập trung vào thứ mà mình yêu mến - đó là thi đấu trên sân”.