6 công việc này đều nằm trong tốp 10 việc quan trọng nhất của VFF ở năm tới. Có lẽ chưa bao giờ mảng phong trào lại được tổ chức quản lý bóng đá Việt Nam thể hiện sự quan tâm nhiều đến vậy.
Tất nhiên là VFF có trách nhiệm cũng như đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển phong trào, nhưng thực tế mà nói, đó là một lượng công việc quá lớn, quá rộng so với quy mô của tổ chức VFF.
Hay nói đúng hơn, VFF phải “xắn tay” làm cũng cho thấy sự thiếu hiệu quả của các tổ chức thành viên hoặc các địa phương. Không phải bỗng nhiên mà VFF phải tập trung vào mảng này. Trong hệ thống thi đấu do VFF trực tiếp quản lý, thì giải hạng 3 là thấp nhất nhưng mùa bóng 2023 chỉ có đúng 10 đội bóng đăng ký tham gia để chọn đến 4 đội được thăng hạng nhì.
Trong số 10 đội này, hết 5 đội là tuyến trẻ của các CLB chuyên nghiệp và chỉ 5 đội trực thuộc địa phương. Với dân số 100 triệu người, 63 tỉnh thành và hàng chục bộ ngành, nhưng phần “móng” của mô hình tháp thi đấu bóng đá Việt Nam chỉ có chừng đó. Nói chúng ta phát triển theo kiểu “hình tháp ngược” không giống bất kỳ quốc gia tiên tiến nào là vì vậy.
Đây chính là lý do khiến cho bóng đá trẻ Việt Nam cứ ở trong tình trạng phát triển “giật cục”. Đầu tư cho đào tạo trẻ thì tốn kém, nhưng số lượng CLB quá ít thì không có “đầu ra” cho cầu thủ, từ đó dẫn đến tình trạng tuyển sinh “nhỏ giọt”, bỏ sót tài năng. Hoặc như tại các địa phương, mỗi năm tốn tiền tổ chức các giải đấu, cử HLV đi tuyển chọn cầu thủ, nhưng lại không có nổi một đội bóng bán chuyên để đá giải hạng 3 thì làm sao có thể phát triển phong trào bóng đá địa phương.
Quang cảnh Đại hội thường niên của VFF năm 2023. Ảnh: P. MINH |
Bóng đá phong trào ở Việt Nam hiện nay hoạt động khá rầm rộ, có quy mô tổ chức bài bản, thực tế chủ yếu là vui chơi, rèn luyện sức khỏe với mô hình sân 7, đá cỏ nhân tạo, không phải thể thao thành tích cao. Công tác xã hội hóa cho bóng đá ở phân khúc bán chuyên nghiệp gần như bỏ trống. Trước đây, từng có một “bầu” Hưng làm phong trào rồi chuyển sang lập đội bóng đá giải hạng nhất, xây cả sân bóng tư nhân đủ tiêu chuẩn Đông Nam Á. Hoặc như “bầu” Hiển, khởi đầu từ một đội bóng đá hạng 3 để bây giờ là Hà Nội FC mạnh nhất lịch sử bóng đá Việt.
Những ví dụ này cho thấy, nếu không tập trung cho những giải đấu trẻ, giải bán chuyên nghiệp (hạng 3, hạng nhì) thì bóng đá Việt Nam sẽ khó phát triển ở phần đỉnh là V-League. Không làm tốt mảng phong trào, thì vẫn sẽ tồn tại kiểu đầu tư ngắn hạn “mua suất - bán tên” ở phần chuyên nghiệp.
Bản thân VFF trong các phần việc của năm 2024 cũng đang cân nhắc điều chỉnh số lượng CLB đá V-League cho phù hợp với mô hình tháp bất hợp lý “đáy nhỏ, đỉnh to” hiện nay. Rõ ràng, câu chuyện chăm lo cho phong trào, cho bóng đá học đường, cho bóng đá trẻ không thể cứ “lôi” VFF ra để quy trách nhiệm.