Loại TDDC khỏi chương trình thi đấu, trong khi quần vợt, bóng bàn và cầu lông vẫn có nguy cơ bị bỏ rơi vào phút chót (tháng 9 sẽ chốt lại), nước chủ nhà của kỳ SEA Games thứ 27 - Myanmar - đang trở thành đề tài cho giới chức thể thao vùng trũng chỉ trích…
Myanmar kiên quyết lắc đầu với TDDC - một trong những thế mạnh thực sự của thể thao Việt Nam - đồng thời dọa bỏ thêm một số nội dung của bơi lội, loại hẳn quần vợt, bóng bàn và cầu lông khỏi chương trình thi đấu. Nếu không có cuộc tranh cãi quyết liệt nổ ra giữa các trưởng đoàn của SEA Games 27 vừa rồi, và nhiều nước kiên quyết bảo lưu quan điểm, Myanmar có lẽ đã biến kỳ Đại hội thể thao khu vực năm nay thành một trò cười.
Đến lúc này, chính thức mới có môn TDDC bị loại ra, nhưng theo đánh giá của nhiều trưởng đoàn trong khu vực, Myanmar sẽ tìm mọi cách để thoái thác tổ chức quần vợt, cầu lông, bóng bàn và cả một số nội dung quan trọng của môn bơi lội, mà lý do lớn nhất là vì Myanmar không có VĐV hoặc có nhưng chỉ đạt trình độ kém.
Ông Chaiyapak Siriwat - Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan - không giấu được sự bực bội: “Cả thế giới đều biết quần vợt là một trong những môn thể thao quan trọng của Olympic, nước nào cũng muốn phát triển, vậy mà Myanmar chỉ đưa ra lý do rất đơn giản rằng họ không có sân thi đấu nên không muốn tổ chức. Có thực đầu tư xây dựng sân quần vợt khó khăn lắm không? Chắc chắn là không rồi. Rõ ràng, vì Myanmar không chuẩn bị lực lượng VĐV cho môn quần vợt nên mới nghĩ ra cách thoái thác bất bình thường như thế”.
Mặc dù vậy, đại diện của thể thao Myanmar, ông Htay Aung vẫn ra sức để thanh minh rằng không phải Myanmar không muốn chiều lòng các quốc gia trong khu vực, nhưng do điều kiện CSVC yếu và không đảm bảo chất lượng, nên mới đặt lên bàn một số đề nghị loại bỏ môn thi đấu như thế. Nhưng chính vị quan chức này cũng đã “nói hớ” khi cho rằng: “Một số môn thể thao mà chúng tôi có xây dựng lực lượng nhưng không đủ sức giành chiến thắng thì liệu có nên đưa vào chương trình thi đấu hay không. Myanmar hy vọng đây sẽ là kỳ SEA Games thành công về số lượng huy chương nên sẽ chú trọng những môn thế mạnh của chúng tôi”.
Thực ra, chuyện các nước chủ nhà thường chọn lợi thế cho mình là điều quá ư bình thường ở thể thao vùng trũng xưa nay. Có cơ hội là họ ép các nước tham gia phải tập luyện và thi đấu những môn truyền thống, sẵn sàng gạt bỏ những môn nằm trong khung thi đấu của Olympic. Vì thế, chính người làm thể thao Đông Nam Á cũng thừa nhận đây là vùng trũng thực sự. Mà đã là vùng trũng thì mọi chuyện dù khó tin đến mấy cũng có thể xảy ra được.
Không ngạc nhiên với kiểu “chơi khăm” của Myanmar, nhưng ông Chris Chan - TTK Ủy ban Olympic Singapore - vẫn tỏ ra bức xúc: “Có lẽ Myanmar nên tính toán lại trước khi quyết định loại bỏ một số nội dung hoặc bỏ hẳn môn thi đấu khỏi chương trình kiểu như TDDC. Vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cả nền thể thao khu vực, chứ không riêng gì của Myanmar. Singapore không mạnh môn quần vợt nên không đến nỗi nuối tiếc như Thái Lan hoặc Indonesia. Nhưng như tôi đã nói, Myanmar cần suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.
o 0 o
Sự nghiệp dư trong nếp nghĩ, cách làm của nhiều quốc gia khiến “ao làng” SEA Games ngày càng mất điểm. Chưa có kỳ Đại hội nào mà trước khi diễn ra nó không xuất hiện những tranh cãi và chỉ trích về chương trình thi đấu, về chất lượng điều hành và cả đối tượng tham gia. Lẽ ra, SEA Games phải làm được nhiệm vụ quan trọng là trở thành bàn đạp cho các VĐV trẻ tài năng và có triển vọng hướng đến những đấu trường lớn hơn như Asian Games, Olympic.
Ngược lại, SEA Games giống như một công cụ để chính các nước trong khu vực Đông Nam Á chạy đua thành tích - căn bệnh thể hiện rất rõ ở mọi quốc gia khi giành được quyền đăng cai sự kiện này. Suy cho cùng, thể thao vùng trũng thì mãi mãi vẫn chỉ thuộc về vùng trũng mà thôi, rất khó ngẩng mặt lên nổi…
Lê Quang