"Tôi luôn mong mỏi thể thao nước nhà luôn vững ở tốp đầu của khu vực Đông Nam Á còn trước hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á thì chúng ta cũng không bao giờ thua kém. Khi SEA Games quay trở lại Việt Nam vào năm 2021, tôi tin chúng ta một lần nữa khiến bạn bè quốc tế biết được thể thao của mình phát triển và mạnh mẽ như thế nào", đó là lời chia sẻ của cố Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam - Hoàng Vĩnh Giang từng trao đổi năm 2016 khi chào đón chiến thắng kỳ tích 1 HCV, 1 HCB của thể thao Việt Nam tại Olympic năm đó.
Nhắc tới thể thao Việt Nam, qua nhiều thế hệ, thể thao Việt Nam có không ít nhà quản lý để lại dấu ấn tuy nhiên mọi lứa HLV, VĐV nói chung đều biết tới ông Hoàng Vĩnh Giang. Ít ai biết, ở sự nghiệp là VĐV, ông từng là người giữ kỷ lục quốc gia ở môn nhảy cao nam suốt 30 năm (từ 1964 tới 1996) và sau đó người hâm mộ mới biết tới một vị thuyền trưởng của thể thao Hà Nội và võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Dấu ấn cá nhân của ông Hoàng Vĩnh Giang mang lại cho thể thao nước nhà không ít, và nếu không có tư duy thay đổi về cách tiếp cận phải tăng cường hòa nhập cùng thể thao châu lục, đi tắt đón đầu của ông, những môn như wushu, pencak silat, đấu kiếm, cầu mây... không có cơ hội được phát triển ở Việt Nam.
Năm 1978, trong giai đoạn làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô (cũ) ở môn điền kinh, ngoài thời gian học để làm luận án phó tiến sĩ, ông dành phần lớn lúc rỗi rãi dậy võ Vĩnh Xuân kiếm sống và cũng để tạo cơ hội cho bản thân tìm hiểu thêm nhiều môn võ còn xa lạ với người Việt lúc đó như taekwondo, judo, đấu kiếm, karate...
Khi trở về Việt Nam năm 1981, với tài sản gồm 15 cây vàng và nhiều dụng cụ trang phục võ thuật được tặng khi còn ở Liên Xô (vũ), ông tặng nó cho thể thao Việt Nam và là người gây dựng phong trào tập luyện các môn thể thao võ thuật trên, định hướng thể thao Hà Nội thành lập các bộ môn võ để bây giờ, võ thuật luôn là mỏ vàng cho thể thao nước nhà ở các kỳ SEA Games.
Giai đoạn năm 1995, 1996 khi đang đương nhiệm Giám đốc Sở Thể thao Hà Nội, ông là người khởi xướng và yêu cầu thực hiện chương trình đào tạo "hạt giống" qua việc cử những mầm non thể thao chỉ mới 6, 7 tuổi của TDDC như Đỗ Thị Ngân Thương, Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh... tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. Ngoài TDDC, ông còn tập trung cho những gương mặt như Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Phương Lan được đào tạo chuyên biệt về wushu tại Trung Quốc và họ là biểu tượng của thể thao Việt Nam.