Olympic Tokyo 2020 thiệt hại hàng tỷ USD vì vắng khán giả

Cuộc họp trực tuyến mới nhất giữa Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đưa ra nhiều quyết định có ảnh hưởng lớn đến sự kiện toàn cầu dự kiến khởi tranh từ ngày 23-7 này.
Olympic Tokyo 2020 sẽ vắng khán giả
Olympic Tokyo 2020 sẽ vắng khán giả

Tại cuộc họp, các bên thống nhất là sự kiện chắc chắn phải diễn ra. Nhưng sự phức tạp của dịch Covid-19 và những bất đồng liên quan đến tiến trình tiêm vaccine buộc các nhà tổ chức phải đưa ra những quyết định chưa có tiền lệ.

Đầu tiên Olympic và Paralympic 2020 sẽ không đón khách đi theo đường du lịch đơn thuần. Về lý thuyết, các sự kiện vẫn sẽ đón khán giả, nhưng đó là cư dân địa phương và các thành phần liên quan đến những đoàn thể thao quốc tế đến Nhật Bản theo hình thức đăng ký trước. Quyết định được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân Nhật Bản trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn đang tăng rất cao, trong khi việc tiêm vaccine gặp khá nhiều trục trặc.

Trưởng ban Tổ chức Hashimoto cho biết: “Tôi thực sự muốn nói lời xin lỗi, nhưng đó là một quyết định cần thiết để hiện thực hóa một giải đấu an toàn cho những người tham gia và người dân Nhật Bản”.

Theo báo Japan Times, dự kiến doanh thu từ bán vé vào khoảng 90 tỷ yen (khoảng 810 triệu USD). Không có con số chính xác, nhưng dự kiến đã có 9 triệu vé được bán ra. Nhật Bản ban đầu dự tính đón khoảng 1 triệu khách đến xem Olympic, trong khi số vé được bán trong nước là 4,45 triệu, nhưng hiện có 810.000 vé yêu cầu hoàn tiền. Riêng mảng khách quốc tế, dự kiến hoàn tiền cho khoảng 600.000 vé xem Olympic và 300.000 vé xem Paralympic.

Theo chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura, ước tính Nhật Bản thiệt hại khoảng 150 tỷ yen (khoảng 1,4 tỷ USD) do tác động từ quyết định này, chủ yếu là nguồn thu từ chi tiêu tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài. Đó là chưa kể những thiệt hại không tính được như cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản và phát triển ngành du lịch, ước tính hơn 20 tỷ USD.

Một vấn đề quan trọng khác, là các đoàn thể thao nước ngoài không bắt buộc phải có “hộ chiếu vaccine”. Đây là yêu cầu được IOC đưa ra và có lẽ nước chủ nhà cũng phải chấp nhận dù điều này càng khiến cho số khán giả nội địa đến xem thi đấu còn giảm nữa. Theo IOC, trong hơn 200 đoàn thể thao, có nhiều nơi vẫn chưa tiếp cận với vaccine nên không thể quy định mọi VĐV phải tiêm vaccine vào thời điểm cuối tháng 5. 

Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Ví dụ như Israel cam kết tiêm đủ liều vaccine cho VĐV, nhưng ở Italy, các VĐV đang nhường quyền tiêm cho những người có nguy cơ cao. Ở một số quốc gia, thậm chí còn có những vấn đề xung đột xã hội nếu như các VĐV được ưu tiên tiêm vaccine chỉ để sang Nhật Bản.

IOC cũng chính thức ban hành các quy định về phòng dịch Covid-19 cho các đoàn thể thao nói chung, ví dụ như phải đeo khẩu trang “toàn thời gian”, phải có giấy kiểm tra âm tính 72 giờ trước khi bay đến Nhật Bản, không được dùng các phương tiện công cộng khi chưa được phép, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào thi đấu…

Tin cùng chuyên mục