Hiện 48 sân bóng của Trường bóng đá Evergrande ở miền Nam Trung Quốc chỉ đủ cho 2.800 học sinh. “Bóng đá sẽ là sự nghiệp của cháu sau khi lớn lên. Cháu muốn là Ronaldo của Trung Quốc”, Wang Kai, một học viên ở đây, cho biết. Đó là một trong những câu chuyện cho thấy tham vọng của bóng đá Trung Quốc trong một dự án mang tầm quốc gia.
Năm 2016, khi đưa ra kế hoạch 50 điểm với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường bóng đá vào năm 2050, có lẽ giới chức cũng không ngờ rằng bóng đá Trung Quốc lại rơi vào tình trạng như thế này. Ít nhất 15 đội bóng thuộc 3 giải đấu cao nhất của bóng đá Trung Quốc đã bị giải thể từ năm 2018 đến nay. Mọi thứ còn bi quan hơn sau khi Tập đoàn Evergrande đang lâm vào khủng hoảng nợ, đe dọa sự tồn tại của Guangzhou Evergrande, từng là CLB giàu có bậc nhất châu Á.
Trung tâm Đào tạo Evergrande Football Academy (EFA) từng được truyền thông phương Tây xem như một trong những học viện bóng đá có quy mô lớn nhất thế giới. Evergrande Group rót vào đây cả tỷ USD chỉ trong vài năm. Một dự án khác là sân bóng mới của Guangzhou FC với sức chứa 105.000 chỗ ngồi, ngốn chi phí hơn 1,7 tỷ USD cũng dang dở. Alibaba Group, một cổ đông lớn khác của Guangzhou FC, lâm vào khó khăn từ nhiều tháng qua.
Đầu tuần này, tuyển Trung Quốc có một cuộc họp bất thường tại Sharjah, địa điểm đóng quân của đội ở UAE nhằm trấn an các cầu thủ đang là trụ cột tuyển Trung Quốc và khoác áo Guangzhou FC, trong đó có 4 cầu thủ nhập tịch. Có lẽ chưa bao giờ truyền thông Trung Quốc lại lo sợ kịch bản đội nhà để thua tuyển Việt Nam như thời điểm hiện tại. Ngày 12-9, trang 163.com đăng bài bình luận rất đáng chú ý, có đoạn: “Điều gì sẽ xảy ra nếu đội tuyển Trung Quốc để thua tuyển Việt Nam? Tại Asiad 2018, Việt Nam thậm chí còn đánh bại cả Nhật Bản, Bahrain và Syria để tiến vào bán kết. Lúc đó, Trung Quốc đã về nước nghỉ dưỡng. Suy cho cùng, bóng đá Trung Quốc thua Việt Nam từ vài năm trước, đó là trận giao hữu U22 năm 2019, chúng ta gục ngã 0-2 trước Việt Nam trên sân nhà”.