Những người đi “truyền lửa”

Chia tay “cuộc chiến” SEA Games 28, cũng giống như sau khi rời những sự kiện thể thao quốc tế lớn khác, như Asian Games, Olympic… cánh phóng viên thể thao Việt Nam - vẫn được các HLV và VĐV gọi vui là “những người đi truyền lửa” - mệt nhoài. Nhưng đổi lại là niềm vui, vì đấy có thể coi như kỳ đại hội thành công nhất mà thể thao Việt Nam có được nhờ sự thắng thế của nhóm môn Olympic…

Chia tay “cuộc chiến” SEA Games 28, cũng giống như sau khi rời những sự kiện thể thao quốc tế lớn khác, như Asian Games, Olympic… cánh phóng viên thể thao Việt Nam - vẫn được các HLV và VĐV gọi vui là “những người đi truyền lửa” - mệt nhoài. Nhưng đổi lại là niềm vui, vì đấy có thể coi như kỳ đại hội thành công nhất mà thể thao Việt Nam có được nhờ sự thắng thế của nhóm môn Olympic…

Hơn 20 ngày chạy đua với thời gian, có mặt ở mọi điểm nóng của SEA Games, không bỏ sót bất kỳ thông tin nóng hổi, những hình ảnh chiến thắng tuyệt đẹp, những cảm xúc ngọt ngào và cả cay đắng bất chợt trào dâng… của thầy trò thể thao Việt Nam tranh tài cùng bạn bè khu vực, hơn 200 phóng viên, kỹ thuật viên và bình luận viên thể thao chẳng khác gì những VĐV chạy marathon, luôn thách thức thời gian.

Các phóng viên thể thao lỉnh kỉnh hành lý trong những chuyến tác nghiệp nước ngoài.

Mệt và căng thẳng đến độ có người lả đi trong cái nắng nóng 38-39°C ở Singapore, nhưng điều đó vẫn không ngăn được những bước chân mạnh mẽ, tinh thần lao động hăng say của mỗi phóng viên ở từng tờ báo để nỗ lực truyền tải về quê nhà những dòng tin nóng hổi, về “cơn mưa” kỷ lục của nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, hình ảnh chiến thắng đầy xúc động của Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Huệ, Trọng Hinh, Như Ý, Lệ Dung…

Bữa cơm vội ở ga tàu điện ngầm để kịp giờ chứng kiến VĐV của mình tranh tài, chai nước chia nhau trên đường tác nghiệp hay vài thỏi chocolate nhỏ bé bẻ vội giúp nhau cầm cơn đói đã trở thành những thứ thật quen thuộc và đầy ý nghĩa trong những chuyến xuất ngoại như thế của cánh phóng viên thể thao Việt Nam.

SEA Games 28, thể thao Việt Nam thắng lớn, đặc biệt bùng nổ ở nhóm môn Olympic. Cánh phóng viên thể thao lâu lắm rồi mới được sống giữa bầu không khí hừng hực và tự hào đến thế. Những ngày đó, ở hồ bơi OCBC, ở SVĐ quốc gia Singapore, ở Nhà thi đấu Bishan, ở Indoor Stadium… nơi đâu cũng vang tiếng chúc mừng chiến thắng. Chúng tôi cũng nghẹn ngào trong tiếng quốc ca hùng tráng vang dậy khắp các nhà thi đấu khi cô gái vàng Ánh Viên tạo nên một cơn mưa kỷ lục ở đường đua xanh, khi thầy trò tổ cự ly trung bình đòi lại tấm HCV thứ tư sau 2 kỳ đại hội đợi chờ, khi Huyền Olympic giành đến 2 chuẩn đến Brazil…

Phóng viên thể thao luôn đồng hành cùng thể thao Việt Nam. Ảnh: Dũng Phương

HLV Hồ Thị Từ Tâm, người vẫn luôn giữ được mối thâm giao với giới truyền thông, tâm sự: “Các nhà báo luôn sát cánh cùng thể thao Việt Nam và điều đó giống như tiếp thêm sức mạnh cho VĐV của chúng tôi thi đấu. Thầy trò chúng tôi nhìn thấy sự mệt mỏi của các nhà báo vì phải tác nghiệp ở quá nhiều nơi, theo dõi quá nhiều VĐV thi đấu. Nhưng điều tuyệt vời là chính các nhà báo mới là những người đầu tiên đón VĐV chiến thắng ở đích đến chứ không phải ai khác…”.

Mà không chỉ ở kỳ SEA Games 28 này, nhiều đại hội trước, kể từ ngày thể thao Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực và thế giới, phóng viên thể thao chẳng khác gì “phóng viên chiến trường”, sẵn sàng hòa cùng nhịp đập của thể thao, trân trọng từng cảm xúc thăng hoa hay mỗi lần thất bại của VĐV.

Chỉ có như thế, chúng tôi mới hiểu rõ thầy trò thể thao đã vắt kiệt mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu ra sao trên sân tập để vì vinh quang của thể thao nước nhà. Cũng chỉ có như thế, những trang báo ở quê nhà mới tràn ngập nụ cười, nước mắt và những dòng cảm xúc mà chúng tôi ghi vội giữa chiến thắng của thể thao Việt Nam nơi xứ người.

Lại nhớ đến chuyến thăm bất ngờ của Trưởng đoàn Lê Quý Phượng tại khách sạn lưu trú của giới truyền thông Việt Nam tham gia tác nghiệp tại Asian Games 2010 ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), người thể hiện sự trân trọng thực sự trước sự đồng hành và đóng góp không biết mệt mỏi của các nhà báo cho sự nghiệp phát triển thể thao nước nhà. Ông Phượng cũng đã ví von “Các nhà báo thể thao cũng chính là những người đi "truyền lửa" cho thể thao Việt Nam”…

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục