Nói như vậy để thấy, không chỉ tiên phong trong việc tạo ra sự kiện mang tính điểm nhấn của bóng đá Việt Nam, Giải thưởng QBV Việt Nam do Báo SGGP còn là điểm kết nối các thương hiệu mong muốn đóng góp cho làng cầu nội địa. Ví dụ như năm 2008, thương hiệu Sơn Boss tài trợ cho QBV Việt Nam và sau thành công của kỳ trao giải đó, họ quyết định tài trợ tiếp cho CLB Bình Định, đội tuyển quốc gia trong giai đoạn 2008-2010. Hoặc như Eximbank, đi kèm hợp đồng tài trợ 3 năm cho V-League là 2 năm gắn bó với QBV Việt Nam trong vai trò nhà tài trợ chính.
Năm 2015, ông Trần Anh Tú khi đó mới phụ trách môn futsal của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cùng Ban tổ chức Giải thưởng QBV Việt Nam thống nhất sẽ tài trợ dài hạn thông qua thương hiệu Thái Sơn Nam. Thời gian trôi qua, cho đến bây giờ Thái Sơn Nam liên tục gắn bó cùng giải thưởng, ông Trần Anh Tú không chỉ là “ông bầu futsal” mà đã trở thành nhà quản lý bóng đá với vai trò Phó Chủ tịch chuyên môn VFF, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM. Không chỉ là người đứng sau hoạt động tài trợ, mỗi kỳ trao giải, ông Tú sẵn sàng tham gia các cuộc họp để cùng ban tổ chức đưa sự kiện đạt thành công cao nhất. Bóng đá Việt Nam có được những gì như hiện nay không thể không nói đến “những người bạn thầm lặng” như vậy.
Vinh quang thường ghi tên HLV, cầu thủ nhưng phía sau mỗi thành công là hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp, thương hiệu, cá nhân vẫn hàng ngày, hàng giờ tham gia đóng góp mà không quan tâm đến việc được nhắc tên. Chỉ riêng với Giải thưởng QBV Việt Nam, mỗi kỳ trao giải đều nhận được sự ủng hộ tài chính của hơn 20 nhà tài trợ mà thương hiệu của họ đôi khi chỉ được lướt qua vội vàng trên sân khấu buổi lễ trao giải. Trong đó có những đơn vị đồng hành suốt nhiều năm như các tập đoàn Sun Group, Vingroup... Rất nhiều thương hiệu cho đến kỳ trao giải năm 2022 này đã đồng hành trên dưới 10 năm mà không cần một văn bản cam kết nào cả.