Nhưng ở thời điểm đó, việc đặt tên cho giải thưởng là QBV Việt Nam năm 1995, bóng đá thế giới có một sự kiện mang tính lịch sử: Lần đầu tiên cuộc bầu chọn danh giá QBV châu Âu - Ballon d’Or - do tạp chí bóng đá danh tiếng France Football tổ chức đã được mở rộng cho mọi cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu chứ không chỉ dành riêng cho những người có quốc tịch tại lục địa già. Người đoạt danh hiệu năm đó là George Weah, ngôi sao của AC Milan, hiện là Tổng thống thứ 25 của Liberia ở châu Phi thực sự gây… “sốc”.
Thế nên, những người xây dựng đề án cho Giải thưởng QBV Việt Nam khi đó đã cảm thấy lúng túng với tên gọi này. Tầm vóc của Ballon d’Or quá lớn với 40 năm tuổi đời và mang trên mình cả dòng lịch sử của bóng đá thế giới, chứ không riêng gì châu Âu. Mọi sự sao chép dù vô ý, cũng dễ bị suy diễn là “đạo nhái” hoặc “khoác tấm áo quá rộng” cho một giải thưởng thậm chí còn chưa ra đời.
Thế nhưng, có 3 lý do để Báo SGGP quyết định giữ nguyên tên gọi: Thứ nhất, 2 đơn vị tổ chức đều là cơ quan báo chí uy tín sáng tạo ra một sự kiện cộng đồng nên không chịu bất kỳ quy định nào. Thứ hai, QBV châu Âu khi đó đã là thương hiệu quốc tế riêng (Ballon d’Or đặt theo tiếng Pháp), trong khi QBV Việt Nam thì thuần Việt.
Và cuối cùng, nếu Ballon d’Or là cuộc bầu chọn dành cho các phóng viên chuyên viết về bóng đá của hiệp hội các tờ báo thể thao tại châu Âu, thì những người tham gia bầu chọn Giải thưởng QBV Việt Nam lại có thêm các chuyên gia bóng đá và các lá phiếu đều mang quan điểm độc lập của từng cá nhân chứ không đại diện cho bất kỳ ai. Như vậy, QBV Việt Nam có những nét giống, nhưng cũng có nhiều điểm hoàn toàn khác biệt đủ để bảo đảm sự uy tín của mình.
Thời gian đã chứng minh quyết định ngày đó không hề mang tính sao chép, thậm chí còn để lại dấu ấn tiên phong. Giải thưởng Ballon d’Or đến năm 2007 đã mở rộng thành phần bầu chọn đến các HLV và đội trưởng của các đội tuyển quốc gia, đồng thời cũng chẳng còn dành riêng cho các cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu nữa.
Trong khi đó, Giải thưởng QBV Việt Nam hiện đã mở rộng ra mọi hạng mục đang hiện diện ở đời sống bóng đá, bao gồm bóng đá nữ và futsal, cũng như các giải cho cầu thủ nước ngoài và U21, nhưng vẫn giữ được toàn bộ tiêu chí cũng như thành phần tham gia bầu chọn. Nói cách khác, QBV Việt Nam vừa mang tính chất toàn diện và vừa bảo đảm được chiều sâu về chất lượng.
Cũng vì thế mà mà dù vẫn đang là một sự kiện do cơ quan báo chí tổ chức, nhưng QBV Việt Nam đã được Bộ VH-TT-DL và LĐBĐ Việt Nam công nhận như một giải thưởng chính thức và duy nhất cấp quốc gia. Cả AFC và AFF cũng ghi nhận giải thưởng bằng việc đưa thông tin chính thức lên website ở mỗi kỳ trao giải.