Người giữ lửa bóng bàn

Năm ngoái, khi Nguyễn Thị Nga bất ngờ đánh bại Mai Hoàng Mỹ Trang trong trận chung kết đơn nữ toàn quốc, giới bóng bàn Việt Nam lập tức xôn xao, coi đấy như sự kiện hy hữu vì đã hơn một thập niên qua, Trang là “tượng đài” không thể xô ngã. Nhưng mới đây thôi, ở tuổi 31 đầy chín chắn, Mỹ Trang đã đòi lại ngôi vị, vẫn bằng lối đánh ôm bàn dũng mãnh…
Mai Hoàng Mỹ Trang xứng đáng được xem như tượng đài của bóng bàn nữ Việt Nam. Ảnh: NHẬT ANH
Mai Hoàng Mỹ Trang xứng đáng được xem như tượng đài của bóng bàn nữ Việt Nam. Ảnh: NHẬT ANH

Kỷ lục gia “không tuổi”

Chơi bóng bàn từ lúc lên 6, Mỹ Trang (sinh năm 1988) giờ đã sở hữu bộ sưu tập đồ sộ, trong đó đáng kể nhất là tấm HCV đồng đội nữ tại Giải vô địch Đông Nam Á 2016 và 14 danh hiệu vô địch đơn nữ Việt Nam, một kỷ lục mà trước và sau cô khó có tay vợt nào bì kịp. Trang cũng chính là nhà vô địch nữ Việt Nam trẻ nhất (lên ngôi lần đầu năm 2004 khi mới 16 tuổi).

Thắng giải quốc nội giống như một thói quen đối với cô gái xuất thân từ gia tộc họ Mai nổi danh trong giới bóng bàn Việt Nam (ông chú của Trang là Mai Văn Hòa từng vô địch châu Á giai đoạn 1953-1954; bác là Mai Văn Minh và bố đẻ là Mai Văn Quang chính là “cao thủ” trong giới bóng bàn TPHCM). Chưa kể, cùng với chị họ Mai Xuân Hằng, Mỹ Trang có thời giúp bóng bàn nữ TPHCM thống trị sân chơi toàn quốc.

Trái ngược với thân hình thấp đậm, na ná giống VĐV tập nội dung ném đẩy của môn điền kinh, Mỹ Trang lại xoay xở cực nhanh, gọn gàng và đầy tinh tế khi bước vào bàn bóng. Những quả giật thuận và trái tay tốc độ và uy lực của Trang là nỗi khiếp đảm đối với các tay vợt trong nước, kể cả những đối thủ ở khu vực. Giới làm nghề không ngần ngại xếp cô vào diện tay vợt có lối đánh toàn diện và đạt độ ổn định bậc nhất trong làng bóng bàn nữ, tính đến hiện tại.

Bóng bàn Việt Nam chưa từng chứng kiến tay vợt nào vô địch quốc gia đến 14 mùa giải (trong đó có 12 mùa liên tiếp) như trường hợp Mỹ Trang - VĐV hiếm hoi vươn đến thành công sau khi được đào tạo theo chương trình “Thế hệ vàng” của ngành TDTT TPHCM trước đây.

Ở tuổi 31, Mỹ Trang vẫn là trụ cột của bóng bàn TPHCM nói riêng và đội tuyển nữ Việt Nam nói chung. Chưa tay vợt nào duy trì được phong độ chắc chắn, nền tảng thể lực tốt và đam mê cháy bỏng với bóng bàn như Mỹ Trang, kể cả những đàn chị Nhan Vị Quân, Ngô Thu Thủy, Trần Lê Phương Linh, Nguyễn Mai Thy, Mai Xuân Hằng…

Có điều, Mỹ Trang muốn xuất hiện thêm nhiều tay vợt trẻ và đầy triển vọng như Nguyễn Thị Nga của bóng bàn Hà Nội, để thay mình gánh vác đội tuyển, trước khi cô quyết định gác vợt.

Gian truân giữ lửa bóng bàn

Bốn năm trước, khi đã đến rất gần tấm HCV đơn nữ SEA Games 2015 trên đất Singapore, Mai Hoàng Mỹ Trang lại để thua ngược 3-4 trước tay vợt vô danh Sawettabut Suthasini (Thái Lan) tại bán kết, dù cô đã dẫn trước đến 3-0. Đấy có lẽ là pha bỏ lỡ đáng tiếc nhất của bóng bàn Việt Nam ở sân chơi này, nhất là đối với nội dung đơn nữ, khi mà tay vợt sở hữu thành tích cao nhất là Ngô Thu Thủy cũng chỉ đoạt được HCB tại SEA Games 1993.

Giấc mộng vàng SEA Games của Mỹ Trang và bóng bàn nữ Việt Nam đến giờ vẫn dang dở, phần vì đối thủ Singapore quá mạnh với dàn VĐV được nhập tịch từ Trung Quốc, phần nữa do khoảng cách trình độ giữa Mỹ Trang với phần còn lại ở đội tuyển nhiều năm qua. Vì “cô đơn trên đỉnh cao” quá lâu, lại không tìm được đối thủ xứng tầm trong nước, Mỹ Trang rõ ràng đã có phần tụt hậu so với các đồng nghiệp quốc tế khi đối diện ở những sân chơi đẳng cấp cao. Cho nên, ngay cả khi đã gắng hết sức lực, làm tất cả những gì tốt nhất có thể cho đội tuyển, thì một “cánh én” Mỹ Trang vẫn không thể tạo ra cú đột phá thực sự cho bóng bàn nữ Việt Nam, dù bên cạnh cô luôn có những người đồng đội: Trần Lê Phương Linh, Mai Xuân Hằng, Bùi Thị Tám, Vũ Thị Hà, Nguyễn Việt Linh, Nguyễn Thị Nga…

Nhưng đấy không phải là lý do khiến Mỹ Trang nản lòng, bởi lẽ cô còn có một mục đích cao cả hơn, chính là giữ được ngọn lửa cháy mãi với bàn bóng, biến điều đó thành sức mạnh lúc lâm trận và khơi dậy tinh thần bóng bàn ở khắp những nơi cô bước chân đến, giống như nhiều thế hệ của gia đình họ Mai lừng lẫy trong giới bóng bàn Việt Nam.

Chỗ dựa của bóng bàn TPHCM

Nếu Mai Hoàng Mỹ Trang dừng cuộc chơi lúc này, giới chức bóng bàn TPHCM là những người lo lắng nhất, vì sau của cô vẫn chưa có tay vợt nào đủ sức nắm giữ vai trò thủ lĩnh. Hơn một thập niên qua, những đóng góp của Mỹ Trang cho đội tuyển bóng bàn nữ TPHCM, dưới tên gọi Bưu điện TPHCM hay Petrosetco, là không thể đong đếm được. Tay vợt họ Mai xuất thân từ “lò” Tân Bình chính là chỗ dựa vững chắc nhất không chỉ của bóng bàn nữ mà cả bóng bàn TPHCM, vì sự vượt trội về đẳng cấp của Mỹ Trang đã giúp bóng bàn thành phố “góp tiếng nói” ở đấu trường quốc nội, cũng như trong mỗi lần cung cấp VĐV cho đội tuyển quốc gia dự giải đấu quốc tế.

Người giữ lửa bóng bàn ảnh 1 Mỹ Trang cùng Đinh Quang Linh thi đấu nội dung đôi nam-nữ tại đấu trường SEA Games. Ảnh: P.N
Thế hệ sau Mỹ Trang là những Nguyễn Bạch Thanh Thư, Hồ Phương Uyên, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, Nguyễn Ngọc Yến Nhi hay tay vợt trẻ mới nổi của dòng họ Mai là Mai Tú Uyên đang nỗ lực vươn lên, nhưng vẫn cần sự dìu dắt từ đàn chị để trưởng thành hơn và sớm có thể gánh vác trọng trách tìm kiếm thành tích cho bóng bàn TPHCM ở tương lai.

L.HÙNG

Tin cùng chuyên mục